Cứ lập công ty xong thì bán: Một chiến lược không tồi cho những ai muốn khởi nghiệp!

Không có gì đảm bảo nếu đã gắn bó chặt chẽ với công ty, chúng ta sẽ tiếp tục có thể thành công.


Ảnh minh họa

Ban đầu tôi là một người khá nhạy cảm với chủ đề về những thương vụ mua lại. Tôi bác bỏ ý tưởng cho rằng “Exit Strategy” (Chiến lược rút lui) là một phần quan trọng trong việc điều hành một doanh nghiệp lớn.

Tuy nhiên hiện tại tôi đã xem việc bán công ty như một chiến lược rõ ràng. Một bên, tôi đánh giá cao những cam kết và tầm nhìn khiến bạn từ chối những một lời đề nghị béo bở, thậm chí có thể thay đổi cuộc sống để tiếp tục cuộc chơi và chèo lái công ty. Mặt khác, tôi cũng đã chứng kiến không ít nhà sáng lập thẳng thừng từ chối một lời đề nghị mua lại công ty hấp dẫn chỉ để sau đó chứng kiến doanh nghiệp do chính họ tạo dựng dần sụp đổ.

Không có gì đảm bảo nếu đã gắn bó chặt chẽ với công ty, chúng ta sẽ tiếp tục có thể thành công. Có một lần khi đứng trước việc lựa chọn có nên bán công ty hay không, một người bạn làm trong lĩnh vực đầu tư của tôi (một người khá hiểu biết về những thương vụ mua lại) nói rằng:

“Jason, nếu anh quyết định không chấp nhận lời đề nghị này, không phải vì anh đang thoả thuận một thương vụ tốt hơn, mà là anh quyết định không bán. Điều đó đồng nghĩa với việc anh quay lưng từ chối và tiếp tục xây dựng doanh nghiệp của mình – dù chưa biết sẽ tốt hay xấu. Đó là một quyết định 5 năm”.

Các nhà đầu tư thường muốn hỏi những doanh nhân được mình rót vốn rằng: “Chiến lược rút lui của bạn là gì?” Điều đó tạo cảm giác nhà đầu tư muốn biết liệu người đang nhận được tiền của họ có bất kỳ ý tưởng nào về việc khiến họ có thể thu hồi lại số tiền đã bỏ ra và cộng thêm cả phần lãi hay không.

Theo kinh nghiệm từ khi tạo lập nên ShipCompliant, tôi cảm thấy việc trả lời câu hỏi kể trên luôn đeo đẳng tôi trong một thời gian dài. Tôi cũng tin rằng sự tồn tại của “chiến lược thoái lui” không thể ngang hàng với những thứ cơ bản hình thành nên nền tảng của một doanh nghiệp lớn.

Thời điểm đó, tôi tin rằng mình nên tập trung xây dựng một doanh nghiệp thật tốt (cả khách hàng và văn hóa), có lợi nhuận và bền vững (doanh thu). Nếu bây giờ lên kế hoạch để sau này bán lại công ty sẽ khiến tôi đưa ra những quyết định ngắn hạn với ảnh hưởng tiêu cực trong dài hạn.

Ví dụ, tăng giá bán sản phẩm mà không cần bận tâm tới các vấn đề hỗ trợ khách hàng, các yêu cầu về tính năng… Tồi tệ nhất là bạn có thể đưa ra những ngoại lệ đối với tiêu chuẩn tuyển dụng chỉ bởi muốn “đi thật nhanh”.

Vì lý do này, tôi cho rằng một doanh nghiệp không nên có “chiến lược thoái lui” nếu họ muốn xây dựng một công ty vĩ đại, có lợi nhuận và bền vững.

Hoá ra tôi đã sai!

Tôi có sự nhầm lẫn giữa “chiến lược thoái lui” với “bán công ty”. Trên thực tế, “chiến lược thoái lui” là phương tiện xác định tầm nhìn dài hạn cho việc họ muốn rời khỏi công ty sau này.

Tôi muốn cuộc sống lý tưởng của mình trong khoảng 10, 20, 30 năm tới sẽ như thế nào? Làm sao doanh nghiệp của tôi có thể phục vụ tốt nhất để đáp ứng tầm nhìn đó? Liệu cuối cùng tôi sẽ chứng kiến công ty non trẻ của mình trở thành một tập đoàn đa ngành nghề hay không?…

Hiện nay, tôi đã bán và rời khỏi công ty do chính mình sáng lập, gợi ý tôi đưa ra dành cho các doanh nhân khác trong vị trí này là để trả lời câu hỏi: “Tôi muốn cuộc sống lý tưởng của mình trong vòng 10, 20, 30 năm tới như thế nào?”

Tại ShipCompliant, sau 12 năm, rất nhiều thăng trầm, tôi cùng đội ngũ của mình đã thành công trong việc xây dựng một doanh nghiệp “lớn mạnh, có lãi và bền vững”. Nhưng thật lạ là tôi bắt đầu nhận được những lời đề nghị mua lại và cuối cùng sau khi tiếp cận với nhiều bên, tôi cũng có những quyết định nghiêm túc.

Vì không có chiến lược thoái lui ngay từ đầu, tôi đã phản ứng với những lời đề nghị mua lại, với lựa chọn bán hay giữ công ty trong một khoảng thời gian khá dài. Trong lúc đó, tâm trí tôi dành toàn bộ cho những câu hỏi kiểu: “Đâu là đối tác tốt hơn?”, “Nên để những điều khoản nào thì đúng”, “Làm thế nào để doanh nghiệp vẫn hoạt động tốt trong thời gian này?” Đây đều là những câu hỏi lớn.

Với những câu hỏi ở tầm cao hơn như: “Tôi thật sự muốn gì trong cuộc sống này?”, “Làm thế nào để phục vụ tốt nhất gia đình tôi và những người tôi quan tâm?”. Cảm giác ngày càng trở nên căng thẳng.

Thay vào đó, nếu ngay từ đầu đã có tầm nhìn rõ ràng và thực thi việc điều hành doanh nghiệp để đáp ứng được tầm nhìn đó trong dài hạn, tôi có thể sẽ đưa ra được những quyết định nhanh chóng hơn với những người đề nghị mua lại đầu tiên.

Lời khuyên đối với chính bản thân tôi đó là hãy tự tạo ra “chiến lược thoái lui” cho mình bằng cách: 1 là suy nghĩ kỹ và tuân thủ theo những tầm nhìn cá nhân trong dài hạn. Hai là sau 1 năm, hãy tổng kết lại xem doanh nghiệp của mình có thực hiện đúng những tầm nhìn cá nhân đó hay không.

Cuối cùng, cần phải biết điều gì bạn sẽ làm tiếp theo sau khi bán công ty. Đó sẽ là ưu tiên số 1 để có một sự rút lui trọn vẹn!

Theo Trí Thức Trẻ