Việt Nam là thung lũng Silicon mới nổi của ASEAN

Mới đây, tạp chí Asian Correspondent đã có bài viết ca ngợi tiềm năng phát triển của ngành công nghệ Việt Nam. Tạp chí này nhận định, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để trở thành Thung lũng Silicon của Đông Nam Á.


Ảnh minh họa

Mặc dù hầu hết các nước Đông Nam Á đều có tham vọng phát triển ngành công nghệ cạnh tranh, Việt Nam là nước có điều kiện thuận lợi nhất để trở thành Thung lũng Silicon của khu vực, nhờ chính sách giáo dục thành công, hỗ trợ của chính phủ và tinh thần khởi nghiệp của người dân.

Nhận định Việt Nam là nước có nền giáo dục khoa học và toán học phát triển được thừa nhận vào năm 2012, khi Việt Nam lần đầu tiên tham gia kỳ thì PISA (Chương trình đánh giá học sinh quốc tế). Trong kỳ thi đánh giá học sinh ở độ tuổi 15 này, Việt Nam đứng thứ 8 về khoa học và thứ 17 về toán học.

Kết quả ấn tượng trên được lặp lại vào kỳ thi PISA năm 2015, khi Việt Nam đứng thứ 8 về khoa học và thứ 22 về toán học, vượt qua các nước phát triển như Mỹ, Anh và Australia.

Theo ông Andreas Schleicher, người phụ trách điều hành kỳ thi PISA của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), Việt Nam có được thành công trên là nhờ chính sách tiến bộ của chính phủ, chương trình học tập trung vào toán và khoa học, và đầu tư hiệu quả cho giáo viên.

Học sinh cấp 3 của Việt Nam hiện nay thường xuyên đạt thành tích tốt hơn các bạn đồng trang lứa ở những nước phát triển giàu có. Thành tích này cũng được xác thực bởi các tổ chức đánh giá giáo dục độc lập khác. Nghiên cứu của Young Lives cho thấy, học sinh Việt Nam có trình độ cao, với 95% học sinh 10 tuổi có thể cộng số có bốn chữ số và 85% có thể làm phép trừ phân số.

Thành tích của học sinh Việt Nam ở các môn khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM) không chỉ thu hút sự chú ý của các nhà nghiên cứu và hoạch định chính sách giáo dục, mà còn cả các tập đoàn công nghệ quốc tế đang khát khao tìm kiếm nhân tài.

Một kỹ sư phần mềm cấp cao của Google, Neil Fraser, gần đây đã thăm một trường học địa phương ở Việt Nam và nhận xét về kiến thức công nghệ của các em này. Trong một cuộc phỏng vấn với Reuters, Fraser cho biết:

“Việt Nam là nước có sinh viên giỏi môn khoa học máy tính nhất tôi từng biết. Những bài toán tôi xem họ giải có thể xem là vấn đề hóc búa trong các cuộc phỏng vấn tuyển dụng của Google”.

CEO của Google, Sundar Pichai, cũng đã đến thăm Việt Nam trong năm ngoái. Ông hội kiến với nguyên thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng để thảo luận về triển vọng hợp tác trong tương lai giữa Google và Việt Nam.

Sau cuộc gặp, Pichai hứa hẹn Việt Nam sẽ sớm trở thành một trong những thị trường quan trọng nhất của Google. Theo cam kết phát triển nhân tài trong lĩnh vực công nghệ cho Việt Nam, Google cho biết, họ sẽ sớm triển khai chương trình đào tạo 1.400 kỹ sư IT địa phương.

Việt Nam cũng hưởng lợi từ chính sách hỗ trợ và cấp vốn của chính phủ, nhằm đưa nước này trở thành trung tâm công nghệ và sáng tạo của khu vực. Minh chứng là Dự án Thung lũng Silicon đầy tham vọng của Bộ Khoa học và công nghệ. Dự án đang triển khai để thu hút các doanh nhân, chuyên gia và nhà đầu tư, nhằm phát triển ngành công nghệ có tính cạnh tranh cao.

Tham vọng của Việt Nam còn được củng cố đẩy bởi lực lượng lao động sành công nghệ, có phí nhân công rẻ hơn Trung Quốc và năng suất cao hơn các nước Đông Nam Á khác. Gần đây, Việt Nam đã nổi lên là trung tâm sản xuất cho các tập đoàn điện tử Hàn Quốc và Nhật Bản như Samsung, LG Electronics, Panasonic và Toshiba. Những công ty này đã mở nhà máy ở Việt Nam trong hàng thập kỷ qua.

Nhưng trọng tâm trong chính sách của chính phủ hiện nay là chuyển Việt Nam từ lĩnh vực lắp ráp linh kiện điện tử sang trở thành trung tâm nghiên cứu, sáng tạo và phát triển.

Nếu kế hoạch của Việt Nam trở thành hiện thực, có nhiều lý do để tin rằng, nhiều thanh niên Việt Nam sẽ theo chân nhà phát triển phần mềm Nguyễn Hà Đông. Anh là tác giả của trò chơi nổi tiếng Flappy Bird. Ứng dụng này đã từng đứng đầu bảng xếp hạng của Apple và Android, và kiếm được hơn 50.000 USD một ngày.

Quỹ đầu tư mạo hiểm có trụ sở ở Thung lũng Silicon, 500 Startups tin tưởng, Việt Nam còn nhiều nhân tài như Nguyễn Hà Đông. Gần đây, tổ chức này đã thông báo lập một quỹ 10 triệu USD để đầu tư ở Việt Nam trong 12 tháng.

Tuy nhiên, ông Eddie Thai, quản lý của 500 Startups, cho rằng, họ có thể đã đánh giá thấp tiềm năng của Việt Nam. “Chúng tôi sẽ sớm thấy rằng, còn nhiều công ty tốt nữa để đầu tư ở Việt Nam”, ông chia sẻ.

Với hệ thống giáo dục thành công, chính sách hỗ trợ của chính phủ, đầu tư nước ngoài và thế hệ trẻ sành công nghệ, Việt Nam đang có cơ hội lớn để dẫn đầu ngành công nghệ của Đông Nam Á trong những năm tới.

Theo Trí Thức Trẻ