Tôi không phải một người dễ bực bội. Thực tế, trong bất cứ vấn đề gì, tôi thường có xu hướng trở nên kiên nhẫn và biết điều hơn.
Tôi luôn cố gắng để tiếp xúc với mọi người và nhìn nhận ra điểm tốt của họ. Nhưng cũng chính vì thế mà tôi chẳng thể hiểu điều gì đã tác động đến thái độ hay hành vi của đối phương nữa.
Tuy nhiên, lúc tôi giận mới là lúc tôi nóng tính nhất. Thay vì bực lên là lại động tay động chân hay mạnh miệng chửi bới, tôi thường nén cơn thịnh nộ lại. Và cứ thế cho đến khi “giọt nước tràn ly”, sự phẫn uất mới chính thức bùng nổ, tôi sẽ hành động dữ dội theo cảm tính. Giống như một nhà thơ, nhà biên kịch Anh của thế kỷ 17 đã từng nói vậy: “Hãy coi chừng sự tức giận của một người đàn ông kiên nhẫn”.
Số lần tôi thực sự giận dữ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tôi khá tự hào về điều đó, bởi trên cương vị là một doanh nhân, tôi thường xuyên phải đối mặt với những thứ điên rồ khiến cuộc sống tôi đảo lộn.
Thế nhưng, ngay lúc này đây, đã lâu rồi tôi không phẫn nộ đến thế. Câu chuyện của tôi rất phức tạp và đầy biến động.
Vài người bạn cùng các cố vấn thân cận nhất đã thúc giục tôi phải trả đũa. Thực tế, trong khoảng thời gian dài, tôi đã luôn chứa đựng một nghĩ suy. Tôi tưởng tượng ra hình ảnh mình trút giận lên “hung thủ” và khiến anh ta đau đớn. Tôi tưởng tượng ra cảm giác thỏa mãn, thấy bản thân như một biểu tượng của công lý và tự cho rằng mình sẽ cứu đỡ những nạn nhân tương tự. Và thậm chí, tôi còn tưởng tượng ra hàng loạt các phương tiện cùng vô vàn động cơ để gửi một quả ngư lôi tới đối thủ theo cái cách mà anh ta chẳng thể ngờ.
Song, tôi đã không làm thế.
Thay vào đó, tôi trở về thực tế và trăn trở rất nhiều về vấn đề này. Sau vài giờ, tôi đã đi đến một kết luận đáng ngạc nhiên. Việc bực tức sẽ chẳng có ích lợi gì. Thật ra, nó còn có thể khiến câu chuyện kết thúc chẳng như tôi mong đợi.
Với cách nhìn nhận đó, tôi chọn cách tái tập trung vào cơn giận và biến nó thành sức mạnh của mình.
Tận dụng nó để chinh phục nỗi sợ hãi tiềm ẩn
Câu hỏi đầu tiên nảy ra trong đầu tôi chính là: “Tại sao bản thân lại tức tối đến thế?”. Đương nhiên, tôi biết hoàn cảnh đã đưa đẩy mình đến bước đường cùng. Thế nhưng, vì sao tôi lại để cơn bực bội chiếm đoạt hết cảm xúc?
Tôi tin sự tức giận chỉ là một nỗi sợ hãi ngụy trang mà có thể dẫn con người ta vào con hẻm tăm tối.
Tôi hiểu trong trường hợp này, sự giận dữ của tôi được bắt nguồn từ nỗi sợ thất bại. Chỉ khi mọi thứ đi quá xa, tôi mới nhận ra rằng mình đang lạc lối. Tôi còn chẳng muốn thừa nhận điều đó với đối tác, bạn bè hay những người ủng hộ mình. Cơn thịnh nộ của tôi đơn giản chỉ là một phản ứng bản năng trước một tình huống bất hạnh. Bằng cách tức giận, tôi đã tự cho mình cái quyền chối bỏ trách nhiệm và trốn tránh sự thật trớ trêu.
Hít một hơi thật sâu, tôi cố bình tĩnh trở lại, tìm cách xác định và chinh phục sự sợ hãi mà mình đang bị chi phối. Dù sao, chúng ta ai cũng sẽ có lúc trở nên ngu ngốc hay mắc sai lầm. Bằng sự tức giận, tôi có thể gọi tên được nỗi sợ rồi sau đó dần dần khắc phục cũng như cải thiện chúng, tức là tôi đã nắm trong tay chìa khóa để giải quyết vấn đề rồi.
Biến cơn giận thành động lực cho sự sáng tạo và phương hướng giải quyết
Rõ ràng, việc thừa nhận nguyên nhân khiến bạn thiếu kiểm soát ứng xử cũng chẳng thể bào chữa cho sơ suất mà bạn gây ra. Thay vào đó, sự thừa nhận ấy chỉ đơn thuần lấn át đi sức mạnh của bạn.
Nỗi tức giận, khi được chú trọng đúng mức, có thể trở thành một động lực mạnh mẽ. Nó có thể giúp bạn củng cố quyết tâm, đồng thời vượt qua những trở ngại và tạo cho bạn một tính cách “sỏi đá” hơn.
Lời khuyên của tôi cho các doanh nhân nói riêng và cho mọi người nói chung là hãy biến cơn thịnh nộ của mình thành một thứ gì đó thật tích cực và sáng tạo, giống như điều mà tôi đã áp dụng trong chính tình huống của mình.
Sử dụng sự tức giận để lôi kéo đám đông
Ức chế là một cảm xúc phổ quát mà bạn có thể dựa vào yếu tố này để tìm sự đồng cảm cũng như ủng hộ của khá nhiều người.
Thay vì chỉ nhìn vào tình hình một cách đơn giản, chúng tôi đã lợi dụng cảm giác “phẫn nộ” để tập hợp lại tất cả các nguồn lực đáng kể. Sự giận dữ đã kết nối chúng tôi và cho chúng tôi một mục tiêu chung, đồng thời có cơ hội khắc phục lại những lỗi lầm sai trái.
Vấn đề ở đây không phải là việc trả thù mà là hãy cùng nỗ lực, phấn đấu như một đội tiên phong. Tức giận không phải lúc nào cũng xấu, thậm chí trong trường hợp này, nó còn như một tia sáng lóe lên trong bóng tối đui mù vậy.
Tức giận cũng ổn thôi. Thực tế, bạn cần tức giận để có được những trải nghiệm. Tuy nhiên, nếu không được kiểm soát thì cơn phẫn nộ có thể hủy hoại chính bản thân bạn đấy. Những gì bạn cho là tốt hơn hóa ra lại có thể phản tác dụng và khiến mọi thứ trở nên tồi tệ.
Tóm lại, các doanh nghiệp cần tìm cách để biến sự tức giận trở thành lợi thế của mình. Ngoài việc chinh phục nỗi sợ hay trở thành sự sáng tạo thì cơn giận dữ cũng có thể là một nền tảng cho sức mạnh đồng minh mạnh mẽ.
Theo Trí Thức Trẻ