Có một liều thuốc kì diệu, có thể giúp bạn kiếm nhiều tiền hơn, hạnh phúc hơn, nhìn đỡ béo hơn và có những mối quan hệ tốt hơn.
Nó là một sản phẩm y học không mới nhưng mang tính cách mạng được gọi là “không-muộn-nữa” (late-no-more). Chỉ một liều mỗi ngày sẽ giúp bạn luôn đúng giờ, nâng cao đáng kể cuộc sống của bạn và của những người xung quanh bạn.
Hãy gạt những chuyện đùa đó sáng một bên, nói chung đi làm muộn là chuyện không thể chấp nhận được. Dù nghe có vẻ gay gắt nhưng đó là sự thật và nên được nhắc đến thường xuyên hơn.
Đi ăn tối, dự hội nghị, hay họp, đi uống cà phê với bạn hay đơn giản là đi làm hàng ngày – có đúng giờ hay không sẽ cho tôi biết rất nhiều điều về chính bản thân bạn.
Việc đi trễ làm phiền tôi nhiều đến mức mà chỉ cần nghĩ đến thôi cũng khiến tôi cực kỳ khó chịu. Đôi khi, tôi đến muộn, tôi thường toát mồ hôi lạnh cả người. Càng đến muộn, trông tôi càng chẳng ra sao. Nếu tôi đến muộn trên 15 phút, trông tôi như vừa bước lên từ bể bơi vậy.
“…Nếu tôi đến muộn trên 15 phút, trông tôi như vừa bước lên từ bể bơi vậy”
Về vấn đề đi muộn, tôi thấy mình thuộc một nhóm rất nhỏ. Có vẻ như hầu hết mọi người đều xem thời gian họp hoặc deadline chỉ đơn thuần là một lời khuyên nhỏ về những gì có thể xảy ra.
Người ta thường bảo tôi cứng nhắc và vô lý. Trong một thế giới mà ai cũng “cao su” như thế này, đề cao việc đúng giờ thường không thu được bao nhiêu cảm tình của mọi người, tôi thấy thế cũng chẳng sao cả.
Có lý do mà chúng ta đặt ra thời gian họp và deadline. Việc ấy giúp chúng ta phối hợp có hiệu quả hơn, giảm sự lãng phí thời gian và công sức, giúp ta đặt ra những mục tiêu cần đạt được. Bạn nghĩ người ta sẽ làm được bao nhiêu việc nếu mọi người chỉ “bình chân như vại” và “nước đến chân mới nhảy”?
Đấy chính là định nghĩa của sự kém hiệu quả. Không khó tưởng tượng lắm. Xem trong tuần trước, tôi đã gặp 13 người khác nhau đến họp muộn, hoặc quên deadline. Như một dịch bệnh quái ác, nhưng lại được lấp liếm đi nhờ một vài câu nói “lỗi của tôi”, “xin lỗi mọi người” và “anh biết mà, abcxyz….”. Câu trả lời những người đó muốn là “không sao đâu”, nhưng thực tế thì không ổn chút nào hết.
Đây là những lý do:
Thiếu tôn trọng: Đúng giờ là tôn trọng người khác. Đó là dấu hiệu cho thấy bạn quan tâm và đánh giá cao người khác. Nếu đã không tôn trọng người đó rồi, vậy thì còn gặp để làm gì?
Khinh suất: Vô ý hay cố tình đến muộn đều chứng tỏ sự thiếu quan tâm đến cuộc sống của những người khác. Đơn giản là bạn chẳng thèm quan tâm đến ai cả.
Phô trương: Cố tình đi trễ thường là để thể hiện “uy quyền”. Việc ấy cho mọi người thấy bạn là người “quan trọng” và nắm đằng chuôi trong một mối quan hệ. Người ta cũng thường gọi những người như thế là “thằng đểu”.
Giảm tín nhiệm: Khi bạn bỏ lỡ một cuộc họp hay deadline, sự tín nhiệm của người khác đối với bạn sẽ giảm đi nhanh như quả bóng bị xì hơi. Nếu đến việc đúng giờ còn không làm được, làm sao có thể in tưởng bạn trong những nhiệm vụ khó khăn hơn nhiều?
Không có lãi: Ví dụ, có 5 người đang tổ chức một cuộc họp lúc 2 giờ chiều. Bạn đi trễ 10 phút, tức đã phí 10 x 4 = 40 phút thời gian của những người còn lại. Giả sử công ty trả lương 200USD/giờ cho mỗi nhân viên. 40 phút bằng khoảng 133USD, số tiền đó bạn có trả hộ họ không?
Vô tổ chức: Nếu bạn không thể theo đúng lịch của mình, còn những chuyện nào trong đời bạn sắp đổ bể nữa đây? Việc hay trễ nải cho thấy cuộc sống của bạn chẳng mấy vững chãi, đó là kiểu người tôi không muốn giao du nhiều.
“Quá” bận rộn: Mọi người thường thích đánh đồng sự bận rộn với sự quan trọng, tuy những người thực sự thành công đều biết đó là chuyện nhảm nhí. Có cuộc sống quá bận rộn chỉ cho thấy bạn không biết cách sắp xếp và ưu tiên công việc, hoặc không biết cách nói “không”, cả hai việc đó đều tệ như nhau.
Vô trách nhiệm: Có vài người đơn giản là “nuốt lời”, tùy ý quyết định không làm những gì mình đã nói/hứa hẹn vào ngay những phút cuối cùng. Như thế có vớ vẩn không?
Hội chứng hoang tưởng, tự đại: Ai cũng từng mắc và khỏi bệnh này trước năm 8 tuổi, vài người vẫn thật sự tin rằng họ là cái rốn của vũ trụ. Không hay ho chút nào đâu nhé.
Như tôi đã nói, tôi thi thoảng vẫn đi trễ. Vì thật sự có chuyện khẩn cấp hay vì một lý do khách quan nào đó. Mỗi khi như thế, tôi cố gắng giải thích chi tiết lý do tại sao tôi đến muộn, xin lỗi một cách chân thành, đảm bảo rằng những người khác biết tôi đang nghiêm túc. Cam đoan rằng điều đó sẽ không xảy ra lần nữa.
Thử tượng tượng xem, cuộc sống của bạn sẽ sung sướng đến mức nào, nếu ai cũng làm những gì đã cam kết, đã hứa theo đúng thời hạn? Chính bản thân bạn nên sử dụng liều thuốc “không-muộn-nữa” luôn và ngay.
Đây là một câu nói tuyệt vời mà tôi được dạy khi còn là một đứa trẻ:
“Đến sớm 5 phút mới là đúng giờ; đến đúng giờ là đến muộn; còn đến muộn thì không thể chấp nhận được!”.
Theo Trí Thức Trẻ