Bí quyết của nhà vô địch cờ vua suốt 20 năm: Đặt mình vào tình cảnh của đối phương, suy nghĩ như đối thủ

Garry Kasparov được mệnh danh là ông vua cờ thế giới trong vòng 20 năm qua. Vốn được đào tạo từ thời Liên Xô, ông Kasparov đã trở thành thần tượng cũng như người thầy cho nhiều lứa cầu thủ trẻ. Không những thế, ông vua cờ này còn là người nổi tiếng với những triết lý kinh doanh sâu sắc.


Ảnh minh họa

Trang HBR đã có cuộc phỏng vấn với ông vua cờ này.

HBR: Giới doanh nhân có thể học được gì từ việc chơi cờ?

Kasparov: Không chỉ riêng cờ vua, trong mọi mảng khác như đá bóng, kinh doanh, chính trị hay thậm chí là chiến tranh, chúng ta đều phải ra quyết định. Một số quyết định khá tốt, số khác thì lại thật tệ. Tuy nhiên, điều quan trọng là chúng ta phải biết phân tích, học hỏi và rút kinh nghiệm từ những quyết định đó.

Rất nhiều người nghĩ rằng những gì đã và đang làm tốt có thể vẫn sẽ làm tốt trong tương lai. Quan điểm này là sai lầm bởi những người thua cuộc sẽ quay trở lại chiến trường với một chiến thuật mới.

Tôi ở trên đỉnh cao danh vọng của môn cờ vua trong 20 năm qua bởi tôi biết rằng dù có chiến thắng thì vẫn có điều gì đó đáng để chúng ta học hỏi. Chẳng có cái gì gọi là chiến lược hoàn hảo cả. Bài học quan trọng ở đây là không bao giờ ngủ quên trên chiến thắng.

-Làm thế nào để ông có thể phân tích đối thủ của mình?

Nếu xét riêng trong môn cờ vua, việc phân tích đối thủ khá đơn giản. Bạn đặt mình vào tình cảnh của đối phương và suy nghĩ như đối thủ. Anh ta sẽ đi nước này, nước kia, cậu ấy thích chơi chiến thuật này… Kể cả khi 2 cao thủ cờ vua thi đấu thì cũng sẽ có những nước đi khiến 1 bên có lợi thế hơn. Khi đó, bên bất lợi nên sử dụng chiến thuật mở để đẩy đối phương vào thế bất lợi.

-Điều gì khiến ông cho rằng đã làm nên thành công của bản thân? Tài năng bẩm sinh, việc luyện tập chăm chỉ hay sự chuẩn bị kỹ lưỡng?

Nếu không có năng khiếu trong môn cờ vua, bạn sẽ chẳng đi đến đâu. Tuy nhiên luyện tập chăm chỉ cũng là một phần của tài năng. Đối với tôi, khám phá hết các khía cạnh của bộ môn cờ vua là điều vô cùng quan trọng. Tôi không chỉ muốn thắng ván đấu hay gây ấn tượng với đối thủ mà còn muốn đảm bảo mình luôn học được gì đó sau mỗi trận.

-Thưa ông, vậy những trận đấu với các kỳ phùng địch thủ như cựu vô địch cờ vua thế giới Anatoly Karpov giúp ích được những gì cho ông?

Để khám phá tiềm năng thật sự của bản thân, bạn cần những đối thủ mạnh, hoặc thậm chí giỏi hơn bạn để thử thách. Điều này cũng tương tự luyện thép trong lò nung vậy. Khi nhiệt độ lên cao trong lò, hoặc là người ta thu được thép tôi hoặc là chỉ thu được một đống rác.

Trận đấu kinh điển năm 1984:

Trận chung kết vô địch cờ vua thế giới năm 1984 là là trận đấu đầu tiên cũng như duy nhất không có kết quả rõ ràng. Ban đầu, đương kim vô địch Anatoly Karpov dẫn 5-0 và hầu như mọi người đều cho rằng ông sẽ chiến thắng Kasparov.

Tuy nhiên, Kasparov đã kiên cường thi đấu và rút ngắn khoảng cách xuống còn 5-3. Xen kẽ trong đó là hàng loạt những ván hòa giữa 2 kỳ thủ. Cuối cùng đến ván thứ 48, hội đồng trọng tài quyết định dừng trận đấu do kéo dài quá lâu bất chấp sự phản đối của cả 2 bởi họ lo ngại sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của 2 tuyển thủ.

Trận đấu với Karpov không chỉ tốn rất nhiều thời gian mà còn tiêu hao nhiều về ý chí. Tôi đã thua 5-0 và Karpov chỉ cẩn thắng 1 điểm nữa để giành chiến thắng chung cuộc. Tuy vậy, tôi đã sống sót khi lật ngược lại 5-3 và khiến Karpov bị áp lực tinh thần khủng khiếp, đến nỗi họ buộc phải cho dừng trận đấu.

Tôi đã chứng minh được cho mọi người và cho cả bản thân mình thấy rằng tôi đủ tài năng để giành chiến thắng. Tôi đã học được rằng mình có thể tự xây dựng chiến thắng dù có khó khăn thế nào đi chăng nữa.

-Ông có lời khuyên nào cho những người học trò mà ông đang huấn luyện không?

Người ta thường cho rằng bất kỳ bộ môn nào cũng có những mẹo nhỏ. Tuy nhiên, chúng ta có sự khác biệt lẫn nhau. Quy trình ra quyết định của bạn là độc nhất, tương tự như vân tay hay ADN của bạn vậy.

Những thứ phù hợp với bạn lại chưa chắc phù hợp với tôi. Vì vậy, cách tốt nhất là các bạn nên nhìn vào bản chất của mình.

Một số người chơi cờ có phong cách tấn công, một số khác lại là phòng thủ. Một số vận động viên tennis thích chơi xa lưới nhưng một số khác lại thích lên gần lưới. Cả 2 đều có thể trở thành nhà vô địch.

Điều quan trọng là bạn phải biết mình là ai, hiểu điểm mạnh điểm yếu của bản thân, qua đó xây dựng một chiến lược tận dụng điểm mạnh và hạn chế điểm yếu.

Hãy nhớ rằng dù bạn có chuẩn bị kỹ lưỡng thế nào thì quyết định cuối cùng của bạn cũng sẽ đầy áp lực. Khi đó có thể bạn sẽ phải dùng đến cảm giác của bản thân để ra quyết định. Nếu bạn là người thích chơi phòng thủ, bạn sẽ khó mà đi nước tấn công trong các bước quyết định.

Nói chung, bạn thường khó đi ngược lại với bản tính của mình, vì vậy hãy cố gắng xây dựng cuộc chơi theo ý mình. Những người chơi cờ giỏi là những tuyển thủ biết tạo dựng một thế cờ tất thắng cho bản thân.

-Tại sao ông lại nghỉ hưu khi đang ở trên đỉnh của sự nghiệp?

Tôi thực sự muốn làm một điều gì đó khác. Liệu tôi có thể đạt được gì nếu vẫn tiếp tục chơi cờ vua? Thắng thêm vài giải đấu nữa ư?

Cuộc đời tôi đã có nhiều thay đổi. Tôi đã kết hôn, chúng tôi có cuộc sống mới. Tôi bắt đầu sự nghiệp mới với vai trò diễn giả và một cuốn sách tôi viết sắp được xuất bản. Đối với tôi, cuộc sống hiện nay như một sự thay đổi toàn diện. Tôi cảm thấy khả năng của mình có thể được dùng một cách hiệu quả hơn vào những việc khác hơn là chỉ đơn giản chơi cờ.

Theo Thời đại