7 sự kiện khiến thị trường tài chính quốc tế chao đảo năm 2016

2016 là một năm đầy biến động của thị trường tài chính quốc tế với nhiều sự kiện gây chấn động. Dưới đây là những sự kiện nổi bật của năm 2016 do Financial Times bình chọn.


Ảnh minh họa


Khởi đầu năm mới với cơn bán tháo

Ngay từ tháng 1, sắc đỏ đã bao trùm thị trường. Chỉ sau 10 ngày giao dịch đầu tiên của năm 2016, tổng cộng 4.000 tỷ USD vốn hóa đã bốc hơi khỏi thị trường chứng khoán toàn cầu mà nguyên nhân là do nỗi ám ảnh về sức khỏe kinh tế Trung Quốc và đồng nhân dân tệ .

Trong khi đó, thị trường trái phiếu bị “giằng xé” bởi những lực đẩy trái chiều: các NHTW bán ra dự trữ ngoại hối để bảo vệ đồng nội tệ trong khi nhà đầu tư đổ xô đi tìm tài sản an toàn.

Một nguyên nhân quan trọng khác khiến thị trường có một khởi đầu năm mới tệ hại là do giá dầu lao dốc mạnh. Đến tuần thứ 3 của tháng 1, giá 1 thùng dầu thô biển Bắc chỉ là 27,1 USD/thùng. Điều này càng khiến cổ phiếu và trái phiếu của các công ty năng lượng giảm giá mạnh, đặc biệt là của các công ty dầu đá phiến Mỹ có trái phiếu đang được xếp hạng ở mức rác.

Cuối tháng 1, NHTW Nhật Bản mang đến cho thị trường một cú sốc lớn khi áp dụng chính sách lãi suất âm. Kết quả là các nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu ngân hàng và tìm kiếm những loại trái phiếu có lợi suất cao hơn ở Anh và Mỹ. Quyết định của NHTW Nhật Bản khiến lãi suất ở các nước phát triển giảm mạnh.

Cú sốc Brexit

Ngay khi thị trường tạm thời ổn định trở lại sau khi bị càn quét bởi “cơn bão” đầu năm và các nhà đầu tư háo hức tìm kiếm cơ hội lao vào bắt đáy, sự chú ý lại đổ dồn về cuộc trưng cầu dân ý của người Anh. Vì trước đó ai cũng tự tin về một kết quả ngược lại, lựa chọn sẽ ra đi của người dân “xứ sở sương mù” thực sự là một cú sốc quá lớn đối với thị trường tài chính quốc tế.

Trước thềm cuộc trưng cầu, Financial Times nhấn mạnh kết quả “Ra đi” sẽ khiến đồng bảng cùng với lợi suất trái phiếu Chính phủ giảm sâu, buộc NHTW Anh phải “hồi sinh” gói nới lỏng định lượng.

Và đúng như vậy, bảng Anh đã lao dốc thẳng đứng trong khi lợi suất trái phiếu Anh kỳ hạn 10 năm rơi xuống dưới 1%.

 

Sự bất ổn của hệ thống ngân hàng Italy

Suốt từ giữa năm đến thời điểm hiện tại, thị trường vẫn bị ám ảnh bởi những rắc rối của các ngân hàng Italy. Sau cuộc trưng cầu dân ý mà người dân Italy đã nói không với cải cách và khiến ông Matteo Renzi phải rời khỏi chiếc ghế Tổng thống, cổ phiếu của các ngân hàng Italy vẫn ở trong trạng thái tồi tệ.

Rắc rối từ lợi suất trái phiếu ở mức siêu thấp

Sự kiện Brexit và sau đó là động thái hồi sinh gói nới lỏng định lượng của NHTW Anh là những lực đẩy khiến các loại trái phiếu tăng giá mạnh mẽ, củng cố một trong những xu hướng rõ nét của năm 2016.

Đến tháng 8, lợi suất trái phiếu toàn cầu ở mức thấp nhất từ trước đến nay. Lợi suất trái phiếu Anh giảm xuống còn 0,51%, trong khi toàn bộ các loại trái phiếu do Chính phủ Thụy Sĩ phát hành được giao dịch với mức lợi suất âm.

Tính đến tháng 8, quy mô thị trường trái phiếu có lợi suất âm đã lên đến 13.400 tỷ USD. “Nạn nhân” của hiện tượng này chính là các quỹ hưu trí và ngành bảo hiểm. Nhiều nước đứng trước nguy cơ vỡ quỹ vì gánh nặng chi trả ngày càng lớn (do dân số già hóa) trong khi lợi nhuận thu được từ các khoản đầu tư ngày càng teo tóp.

Hiệu ứng Trump thổi bay mọi sự lo lắng của thị trường

Sau cú sốc Brexit, nhà đầu tư đón nhận cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ với tâm lý không hề thoải mái. Dòng tiền thông minh đã chọn cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton. Chiến thắng bất ngờ của Donald Trump thực sự là một cú sốc, nhưng lần này cú sốc ấy nhanh chóng biến mất chỉ trong vài tiếng đồng hồ ngắn ngủi.

Nhà đầu tư được xoa dịu bởi viễn cảnh Quốc hội Mỹ dưới quyền kiểm soát của đảng Cộng hòa sẽ tung ra nhiều gói kích thích tài khóa, mạnh tay cắt giảm thuế và thu hồi nhiều luật lệ đang kìm hãm hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Ngay lập tức, trong mắt nhà đầu tư hiện ra viễn cảnh chính sách tài khóa mới sẽ giúp nền kinh tế lớn nhất thế giới bùng nổ và nuôi dưỡng lạm phát. Chỉ trong nháy mắt thị trường trái phiếu đã đảo chiều. Ở phố Wall, một bữa đại tiệc đã nổ ra. S&P 500 và Dow Jones liên tiếp lập đỉnh.

Làn sóng bán tháo trái phiếu tăng tốc sau khi Cục dự trữ liên bang Mỹ quyết định tăng lãi suất và phát đi tín hiệu sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh mẽ hơn so với dự báo trong năm 2017.

OPEC làm giá dầu hồi sinh

Thị trường cổ phiếu tăng giá mạnh trong 2 tháng cuối năm cũng phản ánh niềm hi vọng mới mà OPEC đem đến cho thị trường. Cuối tháng 11, các nước thành viên đã nhất trí cắt giảm sản lượng lần đầu tiên trong 8 năm. Sau đó không lâu là thỏa thuận với các nước ngoài OPEC.

Động cơ lớn nhất khiến các nước phải đồng ý cắt giảm sản lượng là do những nỗi đau mà họ phải trải qua dưới thời giá dầu thấp, đặc biệt là những mối đe dọa đối với nền kinh tế Saudi Arabia.

Khối nợ khổng lồ của Trung Quốc

Sau khi khiến thế giới chao đảo với cú phá giá nhân dân tệ bất ngờ vào tháng 8 năm ngoái, Trung Quốc vẫn khiến thế giới phải dè chừng vì khối nợ khổng lồ có thể nhấn chìm nền kinh tế bất cứ lúc nào và một đồng nhân dân tệ ngày càng suy yếu.

Trong bối cảnh Mỹ sẽ mạnh tay thắt chặt tiền tệ, thách thức đặt ra cho Trung Quốc càng lớn hơn. Đồng USD tăng giá sẽ làm tổn hại đến nỗ lực ổn định đồng nhân dân tệ và hạn chế dòng vốn tháo chạy của Trung Quốc.

Những thách thức mà các nhà hoạch định chính sách và nhà đầu tư ở Trung Quốc phải đối mặt đã hiện rõ trong những ngày đầu tháng 12 và sẽ phủ bóng đen lên giai đoạn đầu năm 2017. Lãi suất tăng lên ở Mỹ khiến các điểm yếu của kinh tế Trung Quốc lộ rõ: tỷ lệ đòn bẩy ở các doanh nghiệp Trung Quốc thuộc hàng cao nhất thế giới.

Thị trường trái phiếu Trung Quốc đã bùng nổ trong hơn 10 năm qua.

Theo Trí Thức Trẻ