Phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh ASEAN 2016, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định Cộng đồng các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) là sân chơi đầu tiên và vẫn là sân chơi quan trọng nhất của Việt Nam. Sân chơi này đã mở rộng và gắn kết với nhau một cách chặt chẽ hơn trở thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC).
Điểm đến hấp dẫn
Ở AEC, tuy Việt Nam thuộc nhóm trung bình nhưng là quốc gia đang có triển vọng, có nhiều cơ hội chín muồi cho đầu tư và phát triển kinh doanh. Điều quan trọng hơn là có sự mong muốn và chuẩn bị khá kỹ càng để đón nhận đầu tư quy mô lớn và tầm cỡ chiến lược.
“Ở vị trí trung bình chúng tôi hiểu rằng cần thu hẹp nhanh khoảng cách phát triển giữa Việt Nam và các nước thuộc nhóm trên. Để làm được điều này Việt Nam đang theo đuổi định hướng chiến lược là phát triển với tốc độ nhanh hơn, bền vững hơn và tận dụng tối đa các cơ hội quá trình hợp tác mang lại, ứng phó với biến đổi khí hậu một cách hiệu quả, giải quyết tốt vấn đề công bằng xã hội, đói nghèo và việc làm. Việt Nam cũng đang nỗ lực cải cách để trở thành điểm đến số 1 để làm ăn của các nhà đầu tư trong khu vực Đông Nam Á và thế giới”, Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng Dũng nhận định, triển vọng phát triển của Việt Nam đang có nhiều yếu tố thuận lợi, đó là sự ổn định về chính trị, an ninh, không có những vấn đề xung đột về sắc tộc, tôn giáo hay vấn đề an ninh khủng bố, hệ thống pháp luật ngày càng hoàn thiện, đáp ứng tiêu chuẩn của hội nhập quốc tế, ổn định kinh tế vĩ mô cũng luôn là ưu tiên hàng đầu của Việt Nam.
Việt Nam cũng là thị trường lớn với hơn 92 triệu dân cùng sự phát triển mạnh của tầng lớp trung lưu cung cấp nguồn lao động trẻ, dồi dào có chất lượng và chi phí cạnh tranh, có sự kết nối chặt chẽ với thị trường trên 600 triệu dân của ASEAN và trên thế giới, nhiều tiến trình cải cách đổi mới đang diễn ra mạnh mẽ như tái cơ cấu, thực hiện ba đột phá chiến lược về thể chế kinh tế thị trường, phát triển nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng đồng bộ hiện đại.
Đặc biệt, Chính phủ Việt Nam đã và đang thực hiện nhiều biện pháp, chính sách cải thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính.
Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh các cơ hội và các yếu tố thuận lợi đã được định hình. Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành một lựa chọn tốt để đầu tư kinh doanh.
“Chúng tôi mong rằng khi đến với Việt Nam, các nhà đầu tư có sự hợp tác chặt chẽ với Chính phủ, các cơ quan bộ ngành và địa phương, hợp tác phát triển là xu thế quan trọng mà chúng tôi đã nhấn mạnh tại Diễn đàn Doanh nghiệp Vïệt Nam 2016”, Bộ trưởng nói.
5 mục tiêu lớn
Để đạt được các mục tiêu phát triển nhanh, bền vững, thu hẹp khoảng cách với các nước đi trước, Việt Nam xác định phải vượt qua những nguy cơ tụt hậu, bẫy thu nhập trung bình, biến đổi khí hậu, thách thức nội tại.
Hiện Việt Nam đang thực hiện một loạt chính sách, định hướng trong đó cơ cấu lại nền kinh tế, nỗ lực thay đổi mô hình tăng trưởng mới, động lực tăng trưởng gắn với tăng năng suất lao động.
Một là, hoàn thiện thể chế thị trường của nền kinh tế, ưu tiên tập trung vào thể chế thị trường của các nhân tố sản xuất như thị trường vốn, sử dụng đất, bất động sản, lao động.
Hai là, cải cách mạnh mẽ với khu vực kinh tế nhà nước nói chung và doanh nghiệp nhà nước nói riêng trong đó đẩy nhanh quá trình cổ phần hoá, thoái vốn đối với các doanh nghiệp lớn trong các lĩnh vực như vận tải, hạ tầng, lương thực, viễn thông, thương mại, dịch vụ, du lịch, xây dựng…
Ba là, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, đảm bảo cạnh tranh công bằng và bình đẳng trong đó khuyến khích mạnh khu vực kinh tế tư nhân để thực sự trở thành động lực của tăng trưởng kinh tế.
Thực hiện đột phá về phát triển hạ tầng nhất là hạ tầng giao thông và đô thị, yêu cầu mở rộng và phát triển hạ tầng đang trở nên cấp bách kết nối kinh tế Việt Nam với khu vực và thế giới.
Ngoài vốn đầu tư của nhà nước thì đối tác công tư được xem là phương thức hữu hiệu để huy động đầu tư hạ tầng, lĩnh vực nhà đầu tư nước ngoài cơ hội đầu tư và cũng là mong muốn của Chính phủ Việt Nam đối với nhà đầu tư và đối tác phát triển nước ngoài.
Bốn là, Việt Nam đang tích cực đào tạo nguồn nhân lực cao đáp ứng nhu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá nguồn nhân lực trực tiếp tạo tri thức và sáng tạo. Do đó, Việt Nam sẽ tăng cường thu hút nguồn lực thu hút nhân lực, tận dụng cơ hội cơ cấu dân số vàng, thúc đẩy hoạt động mua bán sáp nhập (M&A) doanh nghiệp gắn với đẩy mạnh cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước. Đây cũng là cơ hội lớn để nhà đầu tư, doanh nghiệp tìm kiếm đối tác chiến lược trong các lĩnh vực có nhiều tiềm năng phát triển.
Năm là, Việt Nam khuyến khích nước ngoài đầu tư gắn với lợi ích lâu dài của doanh nghiệp, hỗ trợ chuyển giao công nghệ mới, nâng cao giá trị thương hiệu, quản trị doanh nghiệp, cung ứng nguyên vật liệu tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp.
Việt Nam dự kiến thông qua Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa hỗ trợ khung pháp lý với các giải pháp hỗ trợ căn bản về môi trường đầu tư kinh doanh, thông tin thị trường, mặt bằng sản xuất, tín dụng, ưu đãi thuế, tăng cường liên kết chuỗi giá trị qua đó thúc đẩy nền kinh tế phát triển dựa trên năng suất, bền vững.
Theo Vneconomy