Ai cũng có thể thấy rằng không gian của quán cực đơn sơ, chẳng có nét riêng gì so với vô số hàng bún khác đất kinh kì.
Món bún của quán tuy ngon nhưng chưa đủ tầm thành đặc sản. Trên thực tế, đặc sản ở đây chính là những “món chửi” của bà chủ, thứ đã khiến không biết bao người chia phe tranh cãi.
Bà chủ Hán Kim Thảo, năm nay 60 tuổi, nổi tiếng là người không tiếc lời miệt thị thực khách. Xin trích ra đây một câu trong “kho tàng” lời chửi của bà: “Sao mặt mày buồn thế? Không ăn đi còn nhìn cái gì? Không nuốt nổi à? Đi ăn mà mặt cứ như đâm lê.”
Rõ ràng, những ai bước chân vào quán mà chưa chuẩn bị trước tinh thần sẽ bị thất kinh bởi khẩu khí của bà.
Ấy thế mà thử nhìn dưới góc nhìn marketing, chẳng biết là do vô tình hay hữu ý nhưng phải công nhận bà Hán Kim Thảo là một marketer có nghề.
Đối với một “thương hiệu” kinh doanh về dịch vụ như quán bún của bà, khi những yếu tố không gian (Physical Evidence) chẳng đặc sắc, sản phẩm (Product) và giá cả (Price) cũng không nổi bật thì bà đã làm rất tốt khía cạnh con người (People).
Nói cách khác, văn hóa của quán “bún chửi” ai cũng có thể cảm nhận được qua người đại diện độc nhất là chính bà. Dư luận có thể bất bình, phản bác bà chủ, nhưng không thể phủ nhận tên tuổi của quán bún trên đường Ngô Sĩ Liên càng được nhiều người biết đến.
Trong tương lai, gu thưởng thức của người Việt có thể được nâng cao hơn, sẽ không còn chỗ cho những bún mắng, cháo chửi, phở lắm mồm như quán của bà Hán Kim Thảo. Hoặc thậm chí cơ quan chức năng có thể vào cuộc để ngăn chặn tình trạng này.
Tuy nhiên, ở thì hiện tại, bà chủ này vẫn đang khá thành công với chiêu thức marketing độc lạ của mình, nhất là khi nhiều người sẵn sàng xếp hàng để được trải nghiệm quán.
Theo Trí Thức Trẻ