Doanh nghiệp có khả năng cung cấp toàn bộ chuỗi dịch vụ trong ngành được gọi là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phát triển thị trường (Market expansion service – MES), là dịch vụ mà thông qua đó, các nhà phân phối giúp cho đối tác và thương hiệu phát triển kinh doanh ở thị trường hiện tại hoặc thị trường mới. Dù rất phổ biến ở nước ngoài nhưng khái niệm này hầu như còn khá xa lạ với các nhà phân phối tại Việt Nam.
Hiện nay, các nhà sản xuất đều ưu tiên chọn nhà phân phối có khả năng làm dịch vụ phát triển thị trường, quy trình quản lý hàng tồn kho tốt, chủ động nghiên cứu làm marketing mới tiếp tục giữ vững vị thế trong chuỗi cung ứng hàng hóa. Đây là những thông tin được đưa ra tại hội thảo “Hướng đi mới cho ngành phân phối công nghệ” do Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) phối hợp với Công ty CP Chứng khoán Ngân hàng Công Thương Việt Nam (VietinBankSc) tổ chức vào ngày 29/11 vừa qua.
Trong giai đoạn 2011 – 2015, nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng công nghệ tại Việt Nam đã tăng trưởng với tốc độ bình quân 15,7%/năm. Trong 6 tháng đầu năm 2016, tổng mức tiêu thụ mặt hàng công nghệ đạt 94.472 tỷ đồng, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, dịch vụ phát triển thị trường đang dần trở nên phổ biến và cũng là kênh hợp tác kinh doanh cho những tập đoàn công nghệ vào thị trường Việt Nam.
Theo ông Đặng Trần Hải Đăng – Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu VietinBankSc, nếu như trước đây nhà phân phối vốn được cho là “không thể thay thế”, thì bây giờ các đơn vị trong chuỗi cung ứng có thể lấn sân vai trò của nhau. Thực tế, chuỗi giá trị ngành phân phối được chia ra thành 5 phân lớp với giá trị tăng dần, bao gồm: hậu cần (kho vận, nhập khẩu…), bán hàng, hậu mãi, marketing và phân tích thị trường.
Tuy nhiên, ông Đăng nhấn mạnh, các doanh nghiệp phân phối sản phẩm công nghệ trong nước chủ yếu mới chỉ ở hai phân lớp bán hàng và hậu cần, đây là hai phân lớp có lợi nhuận thấp nhất trong chuỗi giá trị. Càng lên cao, giá trị tăng thêm của từng phân lớp cũng tăng theo, đồng thời yêu cầu về trình độ, năng lực sáng tạo, năng lực tổ chức của nhà phân phối cũng phải tăng.
Theo Công ty TNHH Nghiên cứu thị trường công nghệ và bán lẻ GfK Việt Nam, sức hấp dẫn của thị trường công nghệ Việt Nam cộng với việc các nhà phân phối truyền thống chỉ tập trung chủ yếu vào bán hàng, kho vận và hậu mãi đã lôi kéo cả nhà bán lẻ phân phối hàng trực tiếp từ nhà sản xuất, hoặc các nhà sản xuất tự triển khai phân phối đến người tiêu dùng.
Với vai trò là nhà sản xuất trong chuỗi cung ứng hàng hóa, ông Trần Vũ – Tổng giám đốc Dell Việt Nam cho biết, chính sách bán hàng của Dell là qua nhà phân phối vì đối tượng của Dell chủ yếu là các công ty, các tổ chức chính phủ… Do đó, Dell không thể tiếp cận được hết các đối tượng này mà không có nhà phân phối.
Còn ông Bùi Văn Hòa – Trưởng đại diện Freetel tại Việt Nam cho rằng, việc thâm nhập thị trường mới, đưa được sản phẩm đến người tiêu dùng và chiếm thị phần luôn là vấn đề khó khăn của các nhà sản xuất, đặc biệt là các thương hiệu mới với quy mô nhỏ. Khi nhà phân phối có thể hỗ trợ nhà sản xuất giải quyết vấn đề này thì vị thế của họ trong chuỗi giá trị cung ứng sẽ bền vững.
Một số doanh nghiệp được đánh giá có tiềm năng phát triển và tăng trưởng tốt là Digiworld (DGW), Thế Giới Di động (MWG), FPT… nhờ thỏa mãn các yêu cầu của chuỗi giá trị ngành phân phối và bán lẻ hàng công nghệ điện tử.
Theo DNSG