Thích thú với tiết học về… giun đất

Sáng 11/11, học sinh lớp 7A6 của Trường THPT Lương Thế Vinh, quận 1, TPHCM đã được trải nghiệm tiết học thực hành bộ môn Sinh học ứng dụng thiết bị kết nối NHV-CAM-E dựa trên nền phương pháp dạy học theo trạm với chủ đề “Giun đất-Món quà từ thiên nhiên”.


Học sinh chuẩn bị trước khi bước vào tiết học
Ảnh minh họa

Dưới sự hướng dẫn của cô Lê Nguyễn Thu Ngàn, giáo viên môn Sinh học, các em đã được phân ra thành 4 nhóm và cùng nhau tham gia tiết học với 4 trạm gồm: Trạm phân tích, trạm trải nghiệm, trạm quan sát, trạm ứng dụng.

Tại trạm phân tích, các em được xem phim về thực hành mổ giun đất và nghe hướng dẫn của giáo viên về yêu cầu để điền vào bài thu hoạch về quy trình mổ giun. Kế tiếp là bước xử lý mẫu giun trước khi thực hành mổ giun. Các em quan sát giun và phải ghi nhận được cấu tạo ngoài của giun, sau khi mổ, phải tham gia thuyết trình về cấu tạo trong của giun.

Tại trạm ứng dụng các em sẽ được tìm hiểu đời sống của giun dinh dưỡng của chúng và khám phá chậu cây nào có chứa giun đất. Sau đó, giải thích vì sao các em nhận biết được chậu cây nào chứa giun, chậu cây nào không. Kết thúc tiết học các em sẽ được xem một đoạn clip ngắn và trả lời cho câu hỏi liên hệ, lợi ích của giun đất trong tự nhiên.

Tham gia tại trạm trải nghiệm, các em đã tiến hành mổ giun rất khéo léo và sau đó với sự hỗ trợ thiết bị NHV-CAM-E (thiết bị giúp học sinh quan sát kính hiển vi không cần nhìn qua thị kính, mà thông qua màn hình máy tính kết nối với kính hiển vi), học sinh được quan sát rất rõ cấu tạo trong, cùng nhau trao đổi rất sôi nổi để hoàn thành bài thu hoạch cũng như tham gia thuyết trình về nội dung này.

Em Lê Hoàng Anh, HS lớp 7A6 cho hay: tham gia tiết học này con cảm thấy rất thích thú và bổ ích, tụi con làm việc nhóm, hỗ trợ cho nhau, được quan sát con giun và các bộ phận của nó rất rõ, chi tiết. Các thiết bị dạy học theo con thấy rất hiện đại, hỗ trợ nhiều cho việc quan sát. Ngoài ra, khi con lên thuyết trình về cấu tạo trong của giun giúp con mạnh dạn, tự tin hơn, nhớ bài lâu hơn.

Theo dõi tiết học của các em, chị Mai Hoa – phụ huynh của em Lê Hoàng Phi, lớp 7A6 – chia sẻ: Tôi cảm thấy rất hài lòng với tiết học của các con, với một tiết thực hành, được trang bị cơ sở vật chất tốt nên hiệu quả cũng tốt. Các con đã tiếp thu bài học một cách chủ động và tham gia các hoạt động trong lớp rất nhiệt tình.

Được biết, trước khi tiết học diễn ra, cô giáo Nguyễn Thị Phương Hạnh – giáo viên Tổ Sinh của trường – cũng đã giới thiệu với các đại biểu đến từ nhiều trường trên địa bàn TPHCM về chuyên đề ứng dụng thiết bị kết nối NHV-CAM-E vào giảng dạy thực hành Sinh học dựa trên nền phương pháp dạy học theo trạm và tiết học này chính là minh họa cho chuyên đề nói trên.

Theo Giáo dục và Thời đại