Tin tức - Sự kiện SEQAP: Khởi sắc giáo dục vùng khó

SEQAP: Khởi sắc giáo dục vùng khó

18
Sau 6 năm thực hiện Chương trình đảm bảo chất lượng giáo dục trường học (SEQAP), bộ mặt giáo dục địa phương ở ĐBSCL có nhiều khởi sắc. 


Ảnh minh họa

Chương trình đã giúp các trường tiểu học đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy, bồi dưỡng giáo viên, hỗ trợ chế độ ăn trưa cho HS nghèo… Từ đó chất lượng giáo dục được nâng lên, hạn chế tỷ lệ HS bỏ học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Dấu ấn SEQAP

Đến nay, đã có nhiều Phòng GD&ĐT, Sở GD&ĐT ở khu vực ĐBSCL tổ chức tổng kết Chương trình SEQAP giai đoạn 2010 – 2016. Theo đánh giá của nhiều cán bộ quản lý và giáo viên, Chương trình SEQAP đã nâng cao chất lượng giáo dục tiểu học thông qua việc hỗ trợ các trường chuyển đổi sang mô hình dạy – học cả ngày và giảm sự chênh lệch giữa các nhóm HS ở các vùng có điều kiện kinh tế, xã hội khác nhau.

Các trường khi tham gia chương trình sẽ được tập huấn hướng dẫn, áp dụng dạy học 2 buổi/ngày, HS được hỗ trợ tiền ăn trưa, tham gia các lớp học rèn luyện kỹ năng sống… Từ đó giúp giáo viên có điều kiện hơn để giúp đỡ những HS yếu và phát huy thế mạnh của HS giỏi.

Đối với nhiều trường học thuộc vùng sâu, vùng xa, những năm trước đây điều kiện cơ sở vật chất, nhân sự gặp không ít khó khăn. Từ khi được thụ hưởng Chương trình SEQAP, những khó khăn đó dần được tháo gỡ, chất lượng giáo dục cải thiện đáng kể.

Theo Sở GD&ĐT Đồng Tháp, từ 7 trường tham gia SEQAP năm học 2010 – 2011 với 51% số HS học trên 30 tiết/tuần. Đến năm học 2013 – 2014, số HS đã tăng lên trên 82% với 40 trường tham gia; năm học 2015 – 2016 đạt trên 85%. Từ đó, chất lượng giáo dục từng bước được nâng lên theo từng năm học, tỷ lệ HS hoàn thành chương trình tiểu học được duy trì.

Qua 6 năm thực hiện Chương trình SEQAP (từ 2010 đến nay), HS tỉnh Bạc Liêu được tăng thêm thời lượng học tập; trường học được đầu tư xây dựng thêm phòng, giáo viên được bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ…

Kết thúc năm học 2015 – 2016, toàn tỉnh Bạc Liêu có 32 trường tham gia, với 67 điểm trường thực hiện SEQAP, với gần 20.000 HS (trong đó, có trên 3.000 HS dân tộc thiểu số), khoảng 14.000 HS được tham gia học cả ngày.

Việc tổ chức dạy học cả ngày của các trường tham gia SEQAP tăng dần qua từng năm học. Trong năm học 2015 – 2016, có 12/32 trường tổ chức dạy học cả ngày cho tất cả HS.

Nhờ được tăng thêm thời lượng học tập ở buổi học thứ 2 đã giúp cho HS có nhiều tiến bộ rõ rệt hơn qua từng năm học, tỷ lệ HS đạt khá giỏi tăng dần.

Năm học 2015 – 2016, HS xếp loại hoàn thành môn Toán và môn Tiếng Việt đều đạt trên 98%. Riêng HS lớp 5 hoàn thành chương trình tiểu học đạt 99,97% (tăng 0,44% so với năm học 2010 – 2011).

Tiếp sức giáo dục vùng khó

Một trong những nguyên nhân Chương trình SEQAP tạo nên hiệu quả tích cực là quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, đội ngũ. Đặc biệt là hướng đến đối tượng HS nghèo vùng khó khăn. Giúp các em có cơ hội đến trường, giảm thiểu nguy cơ bỏ học giữa chừng.

Tại tỉnh Bạc Liêu, bên cạnh nguồn kinh phí ăn trưa do Chương trình SEQAP tài trợ thì một số nơi còn vận động thêm kinh phí trên 700 triệu đồng từ các nhà hảo tâm, mạnh thường quân.

Các trường tham gia Chương trình SEQAP đã được đầu tư xây dựng mới 48 phòng học, 28 nhà vệ sinh và 3 nhà đa năng với tổng kinh phí 25,581 tỷ đồng.

Từ các nguồn kinh phí xổ số kiến thiết, trái phiếu Chính phủ… các địa phương trong tỉnh còn quan tâm đầu tư xây dựng mới 37 phòng học (12,78 tỷ đồng), 26 phòng chức năng (9,67 tỷ đồng), cải tạo 5 phòng học (333 triệu đồng); mua sắm trang thiết bị, xây dựng sân chơi, hàng rào (6 tỷ đồng)…

Đơn cử như huyện Hồng Dân, giai đoạn 2010 – 2016 đã có gần 7.000 HS hưởng lợi từ chương trình này (trong đó có hơn 1.500 HS dân tộc Khmer).

Tại huyện vùng biên An Phú (An Giang), sau 6 năm triển khai Chương trình SEQAP, về cơ sở vật chất, đã xây dựng được 1 phòng học, 1 nhà đa năng với kinh phí trên 1,3 tỷ đồng.

Từ nguồn hỗ trợ của tổ chức Loreto đã xây mới 1 nhà vệ sinh cho Trường Tiểu học B Vĩnh Hội Đông trị giá 120 triệu đồng… Ngoài ra, từ nguồn quỹ phúc lợi HS, các em còn được tổ chức ăn trưa tại trường theo chương trình với 3.700 lượt HS…

Theo Sở GĐ&ĐT Đồng Tháp, hiệu quả của Quỹ giáo dục nhà trường và Quỹ phúc lợi HS mà Chương trình SEQAP cấp kinh phí hàng năm là rất thiết thực và hiệu quả.

Trong đó, 49% kinh phí Quỹ giáo dục nhà trường chi tăng cường đầu sách cho thư viện và trang bị thiết bị dụng cụ cho các câu lạc bộ đã góp phần nâng cao chất lượng học tập, tăng cường văn hóa đọc cho giáo viên và HS.

Bên cạnh đó, từ kinh phí Quỹ phúc lợi HS, 40 trường tiểu học tham gia chương trình đã cung cấp suất ăn trưa cho hơn 20.000 HS nghèo, khó khăn với kinh phí hơn 16,4 tỷ đồng để HS được học cả ngày tại trường.

Chương trình SEQAP đã đầu tư xây dựng bổ sung 55 phòng học, 31 nhà vệ sinh và 6 phòng đa năng cho các điểm trường với kinh phí giải ngân hơn 24,2 tỷ đồng…

Ông Trần Thanh Liêm – Giám đốc Sở GD&ĐT Đồng Tháp – cho biết: “Thời gian tới, ngành Giáo dục địa phương chỉ đạo Ban Quản lý Chương trình SEQAP cấp huyện, thành phố cần duy trì và mở rộng các hoạt động hiệu quả của chương trình đến các trường ngoài SEQAP…”.

Theo Giáo dục và Thời đại