Tại hội thảo “Dịch vụ hoàn tất đơn hàng” do Vecom tổ chức mới đây, nhiều doanh nghiệp giao nhận chuyên nghiệp đến nhỏ lẻ đều lo lắng về cuộc xâm lấn thực sự mạnh mẽ của những ông lớn ngoại ngành thương mại điện tử (TMĐT) vào Việt Nam.
Cùng với những thủ thuật bán hàng kèm giao hàng nhanh với tiếng tăm mạnh mẽ trên toàn cầu, những ông lớn ngoại sẽ là gánh nặng lớn khiến các DN trong nước phải dè chừng.
Trong khi ngành thương mại điện tử phát triển vượt bậc với mức tăng trưởng ở 2 con số thì ngành giao nhận lại chưa bắt kịp xu hướng. Các DN vào ngành này còn hạn chế, trong khi những khó khăn về thói quen người dùng, giao thông và những rào cản về lòng tin khách hàng là những khó khăn đối với DN nội địa.
Theo ông Hán Văn Lợi, Giám đốc BoxMe – doanh nghiệp về lĩnh vực hậu cần và xử lý đơn hàng, Việt Nam là nước áp chót về DN chuyển phát với tổng doanh thu chưa bằng 1/10, 1/12 so với các nước như Indonesia và Malaysia…
Bên cạnh đó, chất lượng chuyển phát Việt Nam còn kém xa các nước quanh khu vực. Trong khi 99% đơn hàng của Thái Lan là phát thành công và hầu hết sử dụng dịch vụ giao qua ngày thì tại VN thời gian kéo dài đến 5-7 ngày và có khu vực phải mất 10-15 ngày. Đặc biệt vào mùa lũ bão vừa qua tại TP HCM, dịch vụ chuyển phát thất bại khi hàng phải qua đầu về.
Với những khó khăn trên và hiện trạng hiện tại, nếu những gã khổng lồ về TMĐT như Alibaba, Amazon… đổ bộ, nguy cơ mất thị phần ngay trên sân nhà của DN Việt là khó lường?
“Alibaba, Amazon không thể cạnh tranh với 1 triệu người Việt đang bán hàng trên Facebook”
Chia sẻ về vấn đề này, ông Tuấn Hà, CEO Vinalink cho rằng, Amazon rất khó vào Việt Nam.
Theo ông Tuấn Hà, gã khổng lồ này muốn vào Việt Nam thì phải bước qua Facebook trước. Trong khi đó, ở Việt Nam chủ yếu là bán lẻ. Thay vì bán hàng trên đó, người bán lẻ sẽ chỉ chọn Amazon để nhập hàng.
Hiện nay, các DN giao nhận quốc tế tư nhân chỉ chiếm 60% thị trường. Một số đơn vị lớn như ASL, FedEx… đã được cấp giấy phép hoạt động ở Việt Nam, thế nhưng đến nay DN Việt vẫn là đơn vị đứng đầu.
Một lợi thế cạnh tranh của chúng ta là các DN ngoại chỉ nỗ lực làm ở các thành phố lớn thì DN nội lại rất am hiểu thị trường nông thôn như giao thông, địa lý, văn hóa, con người…
Bên cạnh đó, công nghệ của Việt Nam đang phát triển rất nhanh, do đó, DN trong nước không khó để cạnh tranh.
Cùng quan điểm trên, ông Đạt Phạm, Tổng giám đốc Miczone cho rằng, Alibaba vào Việt Nam thông qua đối tác Lazada trong khi trước đó Lazada đã là tay chơi toàn cầu. Dù Lazada không khó để cạnh tranh với tiki, sendo…. nhưng lại rất khó để cạnh tranh được với hơn 1 triệu người Việt đang bán hàng trên Facebook.
“Facebook đã tạo ra một thế hệ doanh nhân mới đi lên từ tay trắng của Việt Nam. Người Việt Nam am hiểu người Việt hơn và các DN luôn có cách xoay sở để chiến thắng những đối thủ rất lớn trên thị trường”, ông Đạt cho hay.
Đặt niềm tin vào nỗ lực của DN giao nhận Việt, song CEO DKT Trần Trọng Tuyến cho rằng, các đơn vị bán hàng cần làm việc một cách chuyên nghiệp hơn nữa để tạo sức mạnh tổng hợp bằng việc bán hàng ở nhiều kênh. Theo đó, những phần mềm giúp quản lý, liên kết, hỗ trợ theo một hệ thống nhất định sẽ là giải pháp giúp DN tháo gỡ hàng nghìn công việc chỉ trong vài phút.
Ông khuyến khích các DN bán hàng nên thuê các dịch vụ ngoài, càng nhiều càng tốt để có tính chuyên môn hóa cao. Việc này không những tạo sự chuyên nghiệp cho DN mà còn giúp các DN giao nhận phát triển, tạo đà phát triển bền vững cho TM ĐT – phụ hợp với quy luật phát triển chung của thế giới.
Theo Trí Thức Trẻ