4 nỗi sợ khiến bạn không dám bỏ việc

Khi đã gắn bó được một thời gian với một công việc nào đó, tâm lý chung khi chuyển sang một công việc mới, vị trí mới của tất cả mọi người đều là hoảng sợ.


Ảnh minh họa

Mỗi buổi sáng bạn thức dậy trong trạng thái vô cùng khổ sở bởi sắp phải tới văn phòng, làm công việc mà bạn ghét bỏ. Bạn không ngừng kêu ca, than vãn về công việc đáng ghét đó – điều không chỉ khiến bạn, mà còn cả những người xung quanh vô cùng khốn khổ.

Mỗi ngày qua đi, bạn cứ lặp đi lặp lại chuỗi ngày buồn tẻ, gắng gượng đi làm, về nhà rồi lại gắng gượng đi làm vào ngày hôm sau. Câu hỏi đặt ra là nếu đã ghét việc mình đang làm nhiều tới vậy, sao bạn vẫn tiếp tục đi làm, tại sao không nghỉ việc luôn đi?

Câu trả lời rất đơn giản, bạn sợ thay đổi, sợ nghỉ việc rồi không thể tìm được công việc mới.

Quyết định thôi việc dĩ nhiên không hề đơn giản. Khi đã gắn bó được một thời gian với một công việc nào đó, tâm lý chung khi chuyển sang một công việc mới, vị trí mới của tất cả mọi người đều là hoảng sợ.

Nỗi sợ thứ nhất: “Môi trường mới liệu có phù hợp với tôi?”

Người Mỹ có câu thành ngữ thế này: “The devil they know is better than the devil they don’t know” có nghĩa là khi phải chọn giữa tình huống khó khăn nhưng bạn đã từng biết và một rắc rối mới gặp, hãy chọn cái mà đã có kinh nghiệm vì tình huống chưa biết rõ có thể trở nên tệ hơn.

Trong công việc cũng vậy, bạn luôn có tâm lý cho rằng dù mình có cảm thấy khổ sở, không thích thú với công việc hiện tại nhưng có gì đảm bảo liệu công việc mới sẽ khiến mình hạnh phúc hơn không?

Kết quả là bạn vẫn cố bám trụ với công việc hiện tại nhưng thâm tâm lại không ngừng mong muốn một công việc khác tốt hơn, đó là lý do khiến bạn luôn mệt mỏi và sa sút “phong độ”.

Nỗi sợ thứ hai: “Tôi không có kinh nghiệm để làm công việc mình yêu thích”

Nỗi lo này xuất phát từ việc bạn sợ mình không thể làm công việc mới có tính chất khác biệt với công việc hiện tại. Ngoài ra trên thực tế đúng là bạn chưa thể có đủ thời gian để đáp ứng yêu cầu về kinh nghiệm, kỹ năng của một vị trí mà bạn yêu thích.

Tuy nhiên, tờ Themuse tiết lộ rằng: “Đôi khi các nhà tuyển dụng viết ra danh sách những yêu cầu về kinh nghiệm, kỹ năng để hướng tới một ứng viên hoàn hảo về mọi mặt. Tuy nhiên khi chưa thể tìm được một người như vậy, họ vẫn dành cơ hội cho những ứng viên còn lại”.

Để hoá giải nỗi lo sợ này, hãy xem những yêu cầu về kinh nghiệm là phần “nâng cao” và tập trung vào những yêu cầu cốt lõi khác mà bản thân đã đáp ứng được.

Còn đối với những người muốn chuyển sang một nghề nghiệp hoàn toàn mới, thường họ sẽ phải bắt đầu từ đầu, nghĩa là chấp nhận một công việc từ một vị trí thấp hơn và phát triển dần lên. Thay đổi nghề nghiệp cần một kế hoạch dài hạn, chứ không chỉ ngày một ngày hai.

Nỗi sợ thứ ba: “Tôi lấy gì để sống trong thời gian tìm việc?”

Những người thực sự muốn và nghiêm túc với quyết định chuyển việc thường đặt ra cho bản thân một kế hoạch từ 6 đến 12 tháng để có thời gian chuẩn bị. Sự chuẩn bị này có thể bao gồm kiểm tra lại quyết định của mình, tìm hiểu thông tin và thị trường về công việc họ mong muốn, lên kế hoạch cắt giảm bớt những chi phí không hợp lý để cân bằng chi tiêu trong thời gian chờ giữa hai công việc (nếu có).

Trên thực tế bạn thậm chí hoàn toàn không bị áp lực về mặt tài chính khi chuyển việc vì không có khoảng trống nhảy việc do đã lên kế hoạch rất cụ thể.

Nỗi sợ thứ tư: “Bây giờ tôi đã quá già để thay đổi công việc”

Nỗi sợ này nghe qua có vẻ rất hài hước nhưng đây thực sự là câu trả lời chiếm đa số của nhiều người khi được hỏi về lý do họ không chuyển việc dù đã chẳng còn tha thiết với công việc hiện tại.

Một nghiên cứu cho thấy những người yêu thích công việc của họ thường sống lâu hơn và đạt được kết quả làm việc tốt hơn hẳn so với những người thường buồn chán và thất vọng về công việc của mình. Vì vậy, đừng để nỗi sợ hãi về tuổi tác là một yếu tố cản trở con đường sự nghiệp của bạn. Đừng để thời gian bào mòn sự nhiệt huyết hăng say của bạn.

Nhìn chung, nếu đã quá nhàm chán với công việc hiện tại, hãy mạnh dạn tiến hành những thay đổi cho sự nghiệp của mình. Dĩ nhiên bạn không nên bồng bột nghỉ việc mà thay vào đó, hãy lên kế hoạch tỉ mỉ, tìm hiểu công việc mình mong muốn và sau đó đưa ra quyết định.

Bất kỳ thay đổi nào nếu có sự chuẩn bị kỹ càng đều sẽ mang về kết quả tốt!

Theo Trí Thức Trẻ