Tin tức - Sự kiện Trẻ học lập trình qua những trò chơi đơn giản

Trẻ học lập trình qua những trò chơi đơn giản

18

Các tựa game trực quan, không yêu cầu quá nhiều về ngôn ngữ hay khả năng toán học sẽ giúp trẻ em thích thú hơn với việc học.


Ảnh minh họa

Startup có tên codeSpark (trụ sở Los Angeles, Mỹ) vừa gây quỹ 4,1 triệu USD để làm những trò chơi và trang web có thể dạy trẻ em cách để lập trình, thậm chí trước cả khi biết đọc và viết hiệu quả.

Các tựa game sẽ được phát triển cho trẻ em từ 4 tới 9 tuổi, không chỉ với mục đích dạy các em khái niệm về khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM) mà còn khuyến khích trẻ nam và nữ bình đẳng. Nhân vật của trò chơi là nữ, và mạch truyện sẽ không có chi tiết nào về việc giải cứu nữ giới.

Grant Hosford, đồng sáng lập kiêm CEO của công ty cho biết trò chơi đầu tiên có tên The Foos Coding đã có 4 triệu người chơi là trẻ em tại 201 quốc gia. Trò chơi được thiết kế trực quan thay vì bằng chữ hoặc số nên đã thu hút được đông đảo người dùng.

“Tiếp cận mà không dùng từ ngữ rất quan trọng khi đứng trên quan điểm về khả năng đón nhận và tính địa lý. Ví dụ, The Foos Coding có thể dành cho trẻ Trung Quốc hay trẻ em Mỹ chơi mà không cần dịch. Bên cạnh đó, những em kém may mắn, tàn tật hoặc có khó khăn trong vấn đề tiếp thu vẫn có thể chơi game này cùng các bạn”, Hosford cho hay.

Startup này bàn giao miễn phí các game của mình cho trường công, thư viện và tổ chức phi lợi nhuận. Người dùng (thường là các bậc phụ huynh) nếu muốn con mình chơi các trò này tại nhà có thể mua và tải ứng dụng về cài đặt trên điện thoại hay máy tính bảng.

Hosford tiết lộ người dùng (trẻ em) đã sáng tạo ra 7 triệu game bằng việc sử dụng Foos Studio.

Bill Gross, nhà sáng lập Idealab – đơn vị đã góp vốn cho codeSpark cho hay ông quyết định hỗ trợ công ty này vì cách tiếp cận với phương pháp độc đáo để giảng dạy trẻ em về lập trình cơ bản, trước khi các em phát triển kỹ năng cao về toán học hay đọc hiểu.

Trong thị trường giáo dục công nghệ, Gross không phải là một cái tên xa lạ. Ông từng sáng lập công ty phần mềm giáo dục Knowledge Adventure, sau đó bán lại cho Cendent với giá 95 triệu USD vào năm 1996, khoản tiền không nhỏ khi đó.

Theo VNexpress