Weaver và 2 người bạn thân ở ĐH Stanford là Amos Schallich và Nate Hardison ra mắt eero vào mùa hè năm 2014. Đây là một công ty phần cứng có trụ sở ở San Francisco, chuyên về thiết bị cải thiện chất lượng WiFi gia đình, được mô tả một cách sinh động là “Nếu bạn từng cố gắng xem một bộ phim trên Netflix nhưng quá trình streaming đột ngột bị ngừng lại vì mất tín hiệu, lúc đó, bạn sẽ biết vấn đề mà eero đang cố gắng giải quyết”.
Kể từ khi ra mắt công ty tại… phòng khách của Weaver, eero đã huy động được 90 triệu USD vốn đầu tư mạo hiểm. Hãng có 115 nhân viên, hiện đang bán sản phẩm trên trang Amazon và tại hơn 600 chi nhánh của Best Buy trên khắp nước Mỹ.
“Lèo lái một startup đang phát triển nhanh chóng đồng nghĩa với việc vai trò của bạn sẽ luôn luôn thay đổi. Công việc của tôi thay đổi chóng mặt theo từng tháng. Khi công ty phát triển, bạn phải quản lý một đội ngũ lớn hơn, mọi người phải làm nhiều việc hơn, bạn có nhiều khách hàng hơn và phải mở rộng mạng lưới phân phối bán lẻ hơn. Mọi thứ phát triển quá nhanh sẽ mang đến những thách thức nhất định”, Nick Weaver cho biết.
Câu châm ngôn quan trọng nhất tại eero là “Đổi mới để tốt hơn” (“stays new, gets better”). Khi thiết bị của eero đã được khách hàng sử dụng, Weaver muốn chúng sẽ tiếp tục được nâng cấp thông qua các bản cập nhật mới, mặc dù đôi khi khách hàng tỏ ra không mấy mặn mà với việc mua những thiết bị mới này.
Đây cũng chính là triết lý quản trị của Nick Weaver với cương vị là CEO của một startup công nghệ: “Bạn phải luôn có một tinh thần cởi mở và lắng nghe phản hồi để trở nên tốt hơn”.
“Công việc sẽ xoay chuyển rất nhiều và rất nhanh, đến nỗi nếu không thay đổi, bạn sẽ khó thể duy trì sự tăng trưởng của công ty”, Weaver nhận định.
Theo DNSG