5 điều ứng viên không nên nói dối nhà tuyển dụng

Bà Elizabeth Webster, Giám đốc nhân sự cấp cao của công ty tuyển dụng WinterWyman tiết lộ 5 lời nói dối của ứng viên mà các nhà tuyển dụng vẫn nghe hằng ngày.


Ảnh minh họa

Bạn nghĩ rằng mình có thể nói quá một chút về khả năng và chuyên môn của bạn với nhà tuyển dụng? Hãy cẩn thận. Thực tế, với kinh nghiệm phỏng vấn hàng trăm ứng viên, không khó để nhà tuyển dụng bắt bài những lời nói dối của ứng viên. Bà Elizabeth Webster, Giám đốc nhân sự cấp cao của công ty tuyển dụng WinterWyman tiết lộ 5 lời nói dối của ứng viên mà các nhà tuyển dụng vẫn nghe hằng ngày.
 
1. Lý do bạn rời khỏi công ty cũ

Đức tính thành thật luôn được đánh giá cao đối với bất kỳ vị trí nào. Bạn không cần phải che dấu nếu sự thật nếu bạn bị sa thải ở công ty cũ. Thực tế ngay cả Steve Job cũng bị chính hội đồng quản trị của Apple yêu cầu từ chức. Những người thành công nhất cũng có những giai đoạn sự nghiệp không như mong muốn và rời khỏi công ty đôi khi là điều nên làm.
 
Hơn nữa, cố bẻ cong hay lấp liếm sự thật sẽ khiến bạn giảm bớt phong độ trong phỏng vấn vì lo lắng bị phát hiện. Với nhiều kinh nghiệm và kỹ thuật phỏng vấn, nhà tuyển dụng dễ dàng điều khiển cuộc trò chuyện để bạn tiết lộ câu chuyện đằng sau đó.  
 
2. Mức độ quan tâm của bạn với vị trí nhà tuyển dụng đề xuất
Một trong những khả năng đặc biệt của nhà tuyển dụng là đánh giá mức độ phù hợp của ứng viên so với vị trí. Dựa trên CV, với trình độ chuyên môn, kinh nghiệm và kỹ năng làm việc trước đó của bạn, nhà tuyển dụng phần nào có thể đánh giá mức độ quan tâm và hứng thú của bạn với công việc này.
 
Vì vậy, nếu bạn thực sự không hứng thú với vị trí đề xuất, hãy thẳng thắn từ chối với lý do thật. Đừng nghĩ rằng nhà tuyển dụng sẽ nổi giận và từ chối giới thiệu việc làm mới nếu bạn “say no” với họ. Mục tiêu của tuyển dụng là “right match” nên chỉ mất thời gian cho cả hai bên để sắp xếp phỏng vấn nếu bạn thừa biết rằng mình sẽ không nhận công việc này vì quá xa, lương thấp hay bất kỳ lý do nào.
 
3. Trạng thái tìm việc của bạn
Nếu bạn đang tất bật với những buổi phỏng vấn cho những vị trí khác, đừng ngại che dấu điều này. Không có gì sai khi bạn sử dụng nhiều nguồn khác nhau để tăng cơ hội tìm việc. Để tuyển được đúng người, đôi lúc nhà tuyển dụng cũng phải đa dạng nhiều nguồn ứng viên.
 
Nhà tuyển dụng sẽ đẩy nhanh khâu đàm phán và phỏng vấn nếu bạn thực sự phù hợp với vị trí. Hãy thành thật và mạnh dạn chia sẻ với nhà tuyển dụng nếu bạn đang thực sự cân nhắc cơ hội việc làm từ công ty khác.
 
4. Kỹ năng và chuyên môn của bạn
Thực tế chẳng có ai đã từng sử dụng tất cả các chương trình phần mềm. Bạn làm trong ngành digital marketing, không có nghĩa bạn có kinh nghiệm ở tất cả các mảng liên quan. Hãy thành thật với bản thân và với nhà tuyển dụng những gì bạn biết và không biết, những gì bạn đã thực hiện và những kiến thức chưa từng nghe qua.
 
Nhà tuyển dụng có thể yêu cầu bạn thể hiện kỹ năng ngay trong phỏng vấn hoặc đặt những câu hỏi liên quan để chứng minh. Nếu muốn tìm kiếm công việc tương xứng với năng lực của mình, đừng lý tưởng hóa bản thân để làm hài lòng nhà tuyển dụng.
 
5. Mức lương cũ của bạn
Nhiều ứng viên cho rằng nhà tuyển dụng sẽ đề nghị mức lương dựa trên mức lương cũ. Vì vậy họ có xu hướng “nói quá” con số này lên như một kỹ thuật trong đàm phán. Thực tế, nhà tuyển dụng đều nắm thang lương trong thị trường dành cho mỗi vị trí, mỗi ngành nghề tương ứng với số năm kinh nghiệm, trình độ chuyên môn.
 
Nếu ứng viên không hài lòng với mức lương, chắc chắn họ sẽ không ở lại lâu vì vậy nhà tuyển dụng luôn cố gắng đề nghị mức lương tốt nhất họ có thể đưa ra cho bạn. Trong trường hợp bạn đang được trả lương thấp hơn so với thị trường ở công ty cũ, hãy thẳng thắn chia sẻ thay vì tự nâng con số đó lên.
 
Lời kết:
Mặc dù những lời nói dối trên đây chẳng gây tổn hại cho ai nhưng không nhà tuyển dụng hay công ty nào muốn làm việc với một người thiếu trung thực. Sự tin tưởng và cảm tình của nhà tuyển dụng luôn xuất phát từ những ứng viên thể hiện đức tính thành thật trong phỏng vấn.

Theo Hrinsider