Cùng với sự phát triển và phổ biến nhanh chóng của Facebook, YouTube, Twitter…, ngày nay chúng ta cũng chào đón rất nhiều công cụ marketing trực tuyến mới như Facebook marketing, email marketing, SMS, video… hay còn gọi là digital marketing (tiếp thị số).
Bên cạnh đó, sử dụng công cụ marketing trực tuyến, doanh nghiệp còn có thể khoanh vùng những đối tượng khách hàng, từ độ tuổi bao nhiêu đến bao nhiêu, có sở thích, thói quen gì, có trình độ, có nhân khẩu học ra sao… để xem TVC đó. Doanh nghiệp sẽ đo được phản ứng (dựa vào lượt like, share, comment), đo được thời lượng xem, đo được mức độ hài lòng trực tiếp của khách hàng với TVC, điều mà những công cụ truyền thống khó lòng đạt được.
Thế nhưng, mọi vấn đề đều có tính hai mặt. Mặt trái của công cụ marketing trực tuyến chính là chúng không tạo được niềm tin của người tiêu dùng tốt như công cụ marketing truyền thống.
Trong một khảo sát nhằm thăm dò ý kiến về quảng cáo do Nielsen toàn cầu công bố vào năm 2015, với 30.000 người tham gia, thông qua hình thức trả lời trực tuyến tại 60 quốc gia để đánh giá tình cảm của người tiêu dùng đối với 19 hình thức quảng cáo hiện có, thì ở Việt Nam, ba hình thức quảng cáo đạt được niềm tin lớn nhất của người tiêu dùng là hình thức truyền miệng, website của doanh nghiệp và hình thức quảng cáo truyền thống. Cụ thể, quảng cáo trên truyền hình, tạp chí và báo là các hình thức quảng cáo đáng tin cậy nhất của phương thức quảng cáo trả tiền ở nước ta.
Khảo sát chỉ ra rằng, gần 7 trong 10 người tiêu dùng Việt có niềm tin vào các quảng cáo trên truyền hình – cao hơn mức trung bình toàn cầu (63%). Con số “niềm tin” này với các quảng cáo trên tạp chí, báo và radio lần lượt là 65% và 60%. Báo cáo của Nielsen cũng cho thấy rằng ở Việt Nam, 82% người trả lời khảo sát sẽ có xu hướng làm theo những khuyến nghị đọc được từ các quảng cáo trên truyền hình, báo chí, radio.
Vậy đâu là lý do cho sự thiếu tin tưởng của người tiêu dùng Việt với các công cụ marketing trực tuyến?
Lý do lớn nhất ở đây, chính là doanh nghiệp đã thực hiện sai cách. Bởi sự đơn giản và chi phí thấp của mạng xã hội đã khiến nhiều doanh nghiệp không định hình được họ cần phải làm gì để tạo ra niềm tin cho khách hàng.
Ví dụ rất nhiều doanh nghiệp khi thực hiện một chiến dịch marketing trên mạng xã hội, như Facebook, ban đầu họ chỉ cần làm một động tác duy nhất là tạo một trang fanpage (trang doanh nghiệp) – và điều này hoàn toàn… miễn phí. Sau đó, trên trang fanpage này, doanh nghiệp liên tục đăng tải những sản phẩm của mình, những chương trình khuyến mãi, video, giảm giá… rồi sử dụng quảng cáo của Facebook để tăng like trang, tăng share trang, tăng like bài viết… trong một hai tuần rồi dừng lại. Và kết cục là họ không bán được hàng, không có được sự tương tác với người tiêu dùng. Rõ ràng, chúng ta sẽ không dám tin tưởng vào một thương hiệu, một sản phẩm mà mình chỉ “vô tình” nhìn thấy trên Facebook một vài lần, điều thần kỳ chỉ xảy ra với cách làm này khi khách hàng đang có nhu cầu cấp thiết và thị trường không có một sản phẩm nào cạnh tranh.
Bên cạnh đó, nhiều “dân” marketing, sau một vài lớp học digital marketing không chuyên, cũng đã góp phần vào việc làm suy giảm niềm tin của khách hàng với các kênh marketing trực tuyến. Không có tư duy marketing, tư duy làm việc khoa học và bài bản, những marketer không chuyên này đã biến những công cụ như email marketing, SMS marketing thành những “bãi rác”, nơi chứa toàn những tin nhắn rác, email spam, quảng cáo và những câu chuyện bán hàng lừa đảo, làm phiền người tiêu dùng, khiến họ trở nên đề phòng và thận trọng với tất cả các doanh nghiệp và thương hiệu sử dụng các công cụ marekting tương tự.
Và sai lầm của những quảng cáo truyền thống nên tránh
Theo David Ogilvy, người được xem là “cha đẻ” của ngành quảng cáo, thì sai lầm lớn nhất mà thương hiệu, doanh nghiệp thường mắc phải, đó là chỉ lo huyên thuyên nói về những điều mình thích, mình cho là thú vị. Khi đăng tải một bài quảng cáo cho sản phẩm mới trên báo, nếu bắt đầu từ câu đầu tiên cho đến câu cuối cùng, thương hiệu chỉ nói về sản phẩm của doanh nghiệp, về những thành tựu, định hướng, những câu chuyện, chính sách phát triển, kinh nghiệm… của mình, thì khi gấp lại trang báo, khách hàng sẽ chẳng nhớ gì.
Vì vậy, hãy tập trung giải quyết những vấn đề của khách hàng, nêu ra tác dụng của sản phẩm giúp giải quyết những điều khiến khách hàng trăn trở bấy lâu nay. Đó mới là cách đúng để một quảng cáo truyền thống phát huy tối đa nhất giá trị mà nó thực sự chứa đựng.
Theo DNSG