Đối với học sinh dân tộc thiểu số
Các địa phương xây dựng kế hoạch triển khai Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020, định hướng đến 2025” theo Quyết định số 1008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ
Căn cứ vào thực tiễn địa phương, các sở, phòng giáo dục và đào tạo cần chỉ đạo quyết liệt các trường thực hiện có hiệu quả các giải pháp nâng cao chất lượng dạy học tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số đảm bảo cho học sinh đạt chuẩn năng lực tiếng Việt của mỗi lớp.
Trong điều kiện không thể dạy học tăng buổi trong tuần, hoặc dạy học 2 buổi/ngày cho học sinh lớp 1, các trường có thể điều chỉnh giảm nội dung, thời lượng dạy học các môn học khác để tập trung dạy học tiếng Việt cho học sinh.
Tổ chức tốt việc tập huấn, hướng dẫn, hội thảo chuyên đề trong quá trình triển khai các phương án dạy học tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số.
Xây dựng môi trường giao tiếp tiếng Việt cho học sinh qua các hoạt động dạy học tiếng Việt trong các môn học và hoạt động giáo dục; tổ chức các trò chơi học tập, các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, làm truyện tranh, cây từ vựng; sử dụng hiệu quả các phương tiện hỗ trợ các kĩ năng nghe, nói, đọc, viết; sử dụng hiệu quả thư viện thân thiện, thư viện lưu động; tổ chức ngày hội đọc, thi kể chuyện, giao lưu “Tiếng Việt của chúng em”,…
Việc tổ chức dạy học lớp ghép thực hiện theo mô hình trường học mới và theo Công văn số 9548/BGDĐT-GDTH về việc Hướng dẫn quản lí và tổ chức dạy học lớp ghép.
Đối với trẻ em lang thang cơ nhỡ
Thực hiện Thông tư số 39/2009/TT-BGDĐT ban hành quy định giáo dục hòa nhập cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.
Tổ chức các lớp học linh hoạt cho trẻ lang thang, cơ nhỡ theo kế hoạch dạy học và thời khoá biểu được điều chỉnh phù hợp với đối tượng học sinh và điều kiện của địa phương; chương trình tập trung vào các môn Tiếng Việt, Toán nhằm rèn kĩ năng đọc, viết và tính toán cho học sinh.
Căn cứ vào số lượng trẻ có thể tổ chức thành các lớp cùng trình độ hoặc các lớp ghép không quá hai trình độ. Đánh giá và xếp loại học sinh có hoàn cảnh khó khăn cần căn cứ vào mức độ đạt được so với nội dung và yêu cầu đã được điều chỉnh theo quy định tại Thông tư số 39/2009/TT-BGDĐT.
Đối với trẻ em khuyết tật
Tăng cường cơ hội tiếp cận giáo dục cho trẻ khuyết tật theo Luật Người khuyết tật và các văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục khuyết tật. Tích cực tham mưu với Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc xây dựng kế hoạch triển khai Nghị định số 28/2012/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người khuyết tật, Đề án Hỗ trợ người khuyết tật giai đoạn 2012 – 2020 theo Quyết định số 1019/QĐ–TTg của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư liên tịch số 58/2012/TTLT-BGDĐT-BLĐTBXH.
Tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở giáo dục trong việc thực hiện Thông tư liên tịch số 42/2013/TTLT-BGDĐT-BLĐTBXH-BTC quy định về chính sách giáo dục đối với người khuyết tật. Nắm chắc số liệu trẻ em khuyết tật trong độ tuổi tiểu học, huy động tối đa số trẻ khuyết tật học hòa nhập.
Bộ GD&ĐT yêu cầu các Sở GD&ĐT tham mưu cho tỉnh để chỉ đạo các cơ sở giáo dục chuyên biệt dành cho người khuyết tật xây dựng lộ trình chuyển đổi thành trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập đồng thời xây dựng kế hoạch giáo dục phù hợp đối tượng học sinh trên cơ sở Chương trình giáo dục chuyên biệt dành cho học sinh khiếm thính, khiếm thị, khuyết tật trí tuệ cấp tiểu học ban hành theo Quyết định số 5715/QĐ-BGDĐT.
Theo Giáo dục và Thời đại