Cách dạy trẻ về lòng biết ơn

Để giúp con cái có ý thức và trách nhiệm hơn trong cuộc sống, đặc biệt là khi bước vào độ tuổi trưởng thành, cha mẹ cần dạy cho trẻ bài học đạo đức cơ bản là lòng biết ơn.

Khuynh hướng dạy con ngày nay có nhiều điều khác biệt với trước đây. Nhiều cha mẹ thường khuyến khích trẻ tin rằng trẻ là số một, trẻ thống trị tất cả và xứng đáng nhận được mọi thứ mình có. Đặc biệt đối với những gia đình khá giả hầu hết trẻ ít quan tâm tới sự lo lắng của cha mẹ, ít tham gia vào công việc buôn bán kiếm sống trong gia đình.

Bởi những lý do trên mà ngày càng có nhiều trẻ không hiểu gì về mối tương quan giữa những vất vả cha mẹ gặp phải trong công việc và thành quả cha mẹ đạt được. Tuy nhiên, hãy bắt đầu thay đổi quan niệm này bằng cách dạy trẻ về lòng biết ơn.

Không nên làm tất cả thay cho trẻ

Nếu cứ chăm chăm bảo vệ và làm tất cả mọi việc cho trẻ thì dần dần trẻ sẽ nghĩ đó là điều hiển nhiên, là trách nhiệm của cha mẹ. Do vậy trẻ dễ trở nên ỷ lại hay ỏng nẹo thậm chí có ý muốn ra lệnh cho cha mẹ. Lâu dần, trẻ sẽ không hiểu được sự hy sinh cha mẹ dành cho mình, không có lòng biết ơn công lao của cha mẹ.

Để tránh điều trên, cha mẹ không nên chăm sóc trẻ thái quá mà nên để trẻ tự làm những việc trong khả năng của mình, điều này sẽ giúp trẻ có khả năng sống tự lập về sau.


Ảnh minh họa
Không để trẻ “muốn gì được lấy”

Theo nghiên cứu của phó giáo sư tâm lý học Jeffrey Froh tại Đại học Hofstra, những trẻ nhỏ nào cho rằng, việc mua sắm và sở hữu nhiều vật dụng là minh chứng của thành công và hạnh phúc lại có điểm học trung bình thấp hơn, dễ có cái nhìn tiêu cực và trầm cảm hơn. Jeffrey Froh còn cho rằng “Chủ nghĩa vật chất có tác dụng trái ngược với lòng biết ơn”.

Thực tế cho thấy, nếu một đứa trẻ “muốn gì được lấy” sẽ không biết cách quý trọng những gì mà nó đang có. Cảm giác thỏa mãn mọi thứ một cách dễ dàng vô tình khiến trẻ mất đi lòng biết ơn với những người tạo ra thứ trẻ thích, những người đáp ứng nhu cầu của trẻ. Vì thế, ngoài những nhu cầu cơ bản trong cuộc sống cần có, cha mẹ không nên dễ dàng đáp ứng mọi nhu cầu của trẻ. Hãy tạo cho trẻ cơ hội để hiểu rằng mọi thứ trên đời không phải tự nhiên mà có nên trẻ cần nỗ lực cố gắng mới có được thứ mình muốn. 

Chia sẻ khó khăn

Dù còn nhỏ nhưng trẻ có thể hiểu và cảm nhận được những khó khăn trong công việc và cuộc sống của bố mẹ, chỉ là trẻ chưa hiểu tường tận và chưa biết cách ứng xử thích hợp mà thôi.

Bởi vậy, tùy vào độ tuổi và giai đoạn phát triển của trẻ, cha mẹ có thể tâm sự những vất vả của mình cho con cái nghe. Một khi hiểu được cha mẹ kiếm tiền vất vả, trẻ sẽ biết yêu thương cha mẹ hơn và trân trọng những thứ được đổi lấy bằng mồ hôi, công sức của cha mẹ.

Làm gương

Trẻ nhỏ chịu ảnh hưởng đầu tiên và sâu sắc nhất từ bố mẹ của mình. Vì vậy hãy thể hiện lòng biết ơn với vợ/chồng của bạn, hãy nói lời cảm ơn với con cái bạn bởi những hành động thường xuyên mỗi ngày này quan trọng hơn bất kỳ điều gì đao to búa lớn. Khi nghe được lời cảm ơn từ những người thân của mình, trẻ em sẽ tiếp thu và sau đó làm mọi việc một cách tự giác.

Tạo cơ hội cho trẻ tỏ lòng biết ơn

Chỉ dạy con lý thuyết suông thì khó mang đến hiệu quả cao, vì thế, hãy tạo cơ hội cho trẻ thể hiện lòng biết ơn là lời khuyên từ các chuyên gia tâm lý. Cha mẹ có thể để trẻ tự cất đồ chơi gọn gàng sau khi chơi, giữ gìn quần áo, dụng cụ học tập, phụ giúp cha mẹ dọn dẹp nhà cửa hay gọi điện thoại hỏi thăm ông bà….

Ngoài ra, thỉnh thoảng cha mẹ cũng nên đưa trẻ đến những nơi khó khăn hay tiếp xúc với những người trọng tình nghĩa. Điều này sẽ giúp trẻ học hỏi thêm nhiều điều bổ ích mà nếu chỉ ở nhà sẽ không bao giờ có được.

Nhật ký lòng biết ơn

Hãy tạo một cuốn nhật ký ghi lại kỉ niệm trong các sự kiện quan trọng có ý nghĩa với trẻ hay đơn giản là những việc tốt mà người khác đã làm cho trẻ, ví dụ như: “Hôm nay, bạn Lan đã tặng mình một quyển vở” hay “Hôm nay bố mẹ đã tổ chức sinh nhật cho mình rất vui”… Tất cả những điều tưởng chừng như nhỏ bé này lại là một công cụ quan trọng trong tiến trình phát triển và nhận thức của trẻ, là bước đầu tiên để giáo dục bé về lòng biết ơn

Theo Dân trí