Cách bổ sung dinh dưỡng cho trẻ

Không ép buộc con ăn, đảm bảo cân đối các thành phần dinh dưỡng trong khẩu phần hàng ngày sẽ giúp bé thu nạp dưỡng chất dễ dàng hơn.

Làm cách nào để con trẻ luôn đủ dinh dưỡng mỗi ngày là câu hỏi lớn của không ít ông bố bà mẹ. Trên thực tế, nhiều bậc phụ huynh coi trọng việc con ăn được bao nhiêu bát cơm mà chưa lưu tâm đến chất lượng bữa ăn. Có 2 cách đơn giản để giúp con hấp thu đủ dinh dưỡng mà các bà mẹ thông minh hay áp dụng.

Không nên ép con ăn

Một trong những lý do khiến trẻ bị suy dinh dưỡng là việc trẻ bị ép ăn. Khi trẻ bị ép sinh ra tâm lý căng thẳng. Sự căng thẳng khiến trẻ không thể tiêu hóa hoàn toàn thức ăn, hấp thu các chất dinh dưỡng tốt và tiêu hao thêm một phần năng lượng. Do đó, khẩu phần của trẻ không đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị gây ảnh hưởng bất lợi đến quá trình tăng trưởng, thậm chí dẫn đến chậm phát triển.

Thay vào đó, mẹ nên tìm hiểu về nhu cầu khuyến nghị theo độ tuổi của bé. Mẹ cần nắm bắt được sở thích ăn uống của con. Đây là cơ sở để tạo nên những bữa ăn vừa phải, đầy đủ dưỡng chất mà vẫn giúp con cảm thấy vui vẻ khi ăn uống. Trong trường hợp bé ăn ít hơn, mẹ cũng đừng lo lắng, hãy để bé tự quyết định khẩu phần ăn của mình, sau đó, bổ sung thêm cho con ở các bữa ăn phụ với trái cây, sữa phô mai.


Ảnh minh họa

Bên cạnh những bữa ăn chính trong ngày, mẹ có thể cho bé bữa phụ bằng thực phẩm bổ sung dinh dưỡng.

Xây dựng thực đơn cho con

Các bậc phụ huynh nên cho con những bữa ăn không chỉ đủ về số lượng mà còn cần đảm bảo về chất lượng và cân đối giữa các thành phần dinh dưỡng trong khẩu phần. Bữa ăn đa dạng với đầy đủ các nhóm thực phẩm theo quy định sẽ giúp trẻ phát triển toàn diện thay vì nhồi nhét trẻ ăn liên tục một loại thực phẩm mà mẹ nghĩ là tốt.

Mẹ có thể tham khảo 8 nhóm thực phẩm cơ bản sau để có thể xây dựng thực đơn cho bé nhanh chóng.

– Nhóm lương thực gồm gạo, ngô, khoai, sắn. Đây là nguồn cung cấp phần lớn năng lượng cho cơ thể từ glucid, chất bột đường.

– Nhóm hạt các loại đậu, đỗ, vừng, lạc.

– Nhóm sữa và các sản phẩm từ sữa.

– Nhóm thịt các loại, cá và hải sản.

– Nhóm trứng các loại và sản phẩm của trứng.

– Nhóm củ quả có màu vàng, màu da cam, màu đỏ như cà rốt, bí ngô, gấc, cà chua hoặc rau tươi có màu xanh thẫm.

– Nhóm rau củ quả khác như su hào, củ cải.

– Nhóm dầu ăn, mỡ các loại là nguồn cung cấp lipid/chất béo, là dung môi hòa tan các vitamin tan trong chất béo như vitamin A, D, E, K giúp trẻ hấp thu dễ dàng, cung cấp năng lượng cho cơ thể.

Tháp dinh dưỡng với các tầng chứa 8 nhóm thực phẩm cơ bản, 
giúp mẹ chuẩn bị cho bé một bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng.

Mẹ cần lưu ý rằng chất lượng bữa ăn của con quan trọng hơn việc con ăn được bao nhiêu bát cơm mỗi bữa. Do đó, cần chuẩn bị cho con một bữa ăn với đa dạng thực phẩm trong mỗi bữa chính và cho bé bữa phụ bằng thực phẩm bổ sung dinh dưỡng nhằm giúp con có một chế độ ăn đủ và cân bằng các nhóm chất dinh dưỡng. 

Theo VNexpress