4 bài học kinh doanh từ tỷ phú Gorny

Triệu phú Tomas Gorny luôn quan niệm việc tạo dựng những sản phẩm và dịch vụ tuyệt vời là quan trọng hơn những giá trị vật chất.


Ảnh minh họa

Để có được khối tài sản hàng triệu USD như hôm nay, Tomas Gorny đã trải qua một hành trình đầy gian khổ. Từ tuổi thơ nghèo khó ở Ba Lan, ông đã di cư đến Hoa Kỳ lúc 20 tuổi. Tham gia vào một dự án khởi nghiệp thành công, Gorny đã kiếm được hàng triệu USD, để rồi sau đó mất hết tất cả và phải bắt đầu lại từ con số không.

Gorny chỉ thực sự thành công lâu dài khi ông đồng sáng lập nên công ty hiện tại của mình là Nextiva. Đây là một công ty dịch vụ điện toán đám mây đặt trụ sở tại Scottdale, Arizona với hơn 500 nhân viên. Dưới đây là 4 bài học kinh doanh Gorny rút ra được từ cuộc đời kinh doanh “lên voi xuống chó” của mình.

1/ Đừng đánh giá người khác dựa trên vẻ bề ngoài hay phát ngôn của họ

Trong giai đoạn đầu lập nghiệp, Gorny đã nếm trải việc bị thiếu tôn trọng bởi vì chất giọng Châu Âu của mình. Ông cho biết: “Tôi đã bị xem là một gã Ba Lan non nớt và ngu ngốc”.

Không để những bình luận tiêu cực làm vướng bận, ông đã không ngừng nỗ lực làm việc chăm chỉ và nhận được sự ưu ái của các nhà cung cấp và đối tác kinh doanh. Chẳng bao lâu sau, ông đã nhận được sự nể trọng từ khắp mọi người trong ngành.

Bài học kinh nghiệm mà Gorny rút ra là đừng bao giờ đánh giá thấp bất kì ai chỉ vì bề ngoài, hành vi, cách phát âm hay cách ăn mặc của họ. Cho đến tận bây giờ, khi muốn tuyển dụng ai đó, Gorny chỉ tập trung nhìn vào tính cách, thái độ, kỹ năng và sự hòa hợp của họ với văn hóa của công ty.

2/ Đừng e sợ thất bại

Năm 17 tuổi, Gorny bắt đầu khởi nghiệp với công ty đầu tiên của mình, chuyên phân phối máy tính tại Đức. Ông đã nhượng lại công ty này vào năm 1996 để kiếm tiền di cư đến Hoa Kỳ, nhưng số tiền đó chỉ đủ cho ông trang trải trong khoảng 6 đến 8 tháng.

Sau đó, Gorny đã tham gia một dự án khởi nghiệp, sống với chi phí vỏn vẹn 3 USD /ngày, và gom hết tất cả số tiền còn lại để kinh doanh. Ông chọn làm thêm những việc lặt vặt như cung cấp thực phẩm và dịch vụ đỗ xe để có tiền sống qua ngày. Sau cùng, startup đầu tiên trên đất Mỹ của Gorny đã trở nên khá thành công, và ông bán lại nó vào năm 1998.

Từ dòng vốn đó, Gorny đã đầu tư vào một loạt các dự án bất động sản để rồi bị mất gần như tất cả gia tài khi “bong bóng” công nghệ phát nổ đầu những năm 2000. 5 năm sau khi đến với đất Mỹ, ông lại trở về vạch xuất phát ban đầu.

Nhưng điều đó vẫn không làm Gorny nản chí, ông tiếp tục nỗ lực và thành công trở lại. Với số tiền tiết kiệm 6.000 USD còn lại, Gorny đã gầy dựng một công ty cho thuê máy chủ Internet và biến nó thành doanh nghiệp lớn thứ hai trong lĩnh vực này.

3/ Hãy tiếp cận mọi thứ từ góc nhìn của khách hàng

Khách hàng là người giáo viên tốt nhất của mọi doanh nghiệp. Một doanh nghiệp có thể cung cấp những sản phẩm chất lượng và giải quyết mọi vấn đề của khách hàng một cách nhanh chóng sẽ tạo nên sự hài lòng, và liên tục được khách hàng giới thiệu lại cho người khác.

Trên cương vị một chủ doanh nghiệp, bạn phải thông minh để nắm bắt được suy nghĩ của khách hàng: Họ đang gặp phải những khó khăn gì? Làm thế nào để mọi thứ dễ dàng hơn? Gorny luôn chọn cách lắng nghe phản hồi từ khách hàng, thay vì ngồi một chỗ và giả định rằng các giải pháp của mình là đúng.

Gorny đã học được giá trị của việc tin tưởng vào nhu cầu của khách hàng từ những ngày đầu khi ông đặt chân đến Mỹ. Ông cần một đôi giày mới, do đó ông đã đến một cửa hàng khuyến mãi mua một được hai.

Mặc dù ông không cần đến hai đôi giày, nhưng cách tiếp thị và bao bì sản phẩm kiểu vậy đã thu hút ông, ông nhận thấy nó là một phương thức hiệu quả ở đất Mỹ. Nó cũng đã định hình phương thức tiếp cận khách hàng của Gorny để việc kinh doanh luôn tiến về phía trước.

4/ Tập trung xây dựng kinh doanh, quên đi tiền bạc và các chiến lược thoái vốn

Quá trình thành công và thất bại liên tục đã dạy cho Gorny biết rằng không nên tập trung vào tiền bạc. Ông cho biết việc mất hết tiền từ vỡ bong bóng dotcom khiến ông nhận ra rằng để thành công thì tốt hơn là tập trung vào việc cung cấp giá trị cho khách hàng, chứ không phải là mình có thể kiếm được bao nhiêu tiền. “Bản thân tôi đến giờ luôn sống theo nguyên tắc đó và việc kinh doanh của tôi rất hiệu quả”.

Tương tự như vậy, Gorny tin rằng ra việc huy động vốn từ bên ngoài để xây dựng một doanh nghiệp là một chiến lược ngắn hạn, bởi vì nó buộc doanh nhân phải tập trung vào tìm cách thoái vốn (exit strategy) hơn là tăng trưởng kinh doanh. “Bản thân tôi không thích nhận vốn từ bên ngoài”, Gorny cho biết. “Tôi tin rằng chủ doanh nghiệp nên chọn chiến lược thoái vốn là xây dựng doanh nghiệp sao cho thật tốt”.

Tuy nhiên, ông cũng lưu ý: “Nếu bạn chỉ tập trung vào chiến lược thoái vốn, bạn sẽ có thể quên đi cách xây dựng công việc kinh doanh của mình. Nếu bạn tập trung vào xây dựng doanh nghiệp, kết quả sẽ là tốt hơn nhiều so với những gì bạn hình dung”

Việc các doanh nhân trẻ dính vào “trò chơi” huy động vốn, xây dựng chiến lược thoái vốn hoàn hảo, và bán lại công ty của mình cho người trả giá cao nhất là rất dễ dàng. Thế nhưng, cách tiếp cận này hết sức ngắn hạn. Như bạn đã thấy, câu chuyện của Gorny đã chứng minh tốt hơn là bạn nên tập trung vào sản phẩm và dịch vụ hơn là tạo ra tiền. Sáng tạo có ích hơn nhiều so với sự tích lũy.

Theo NCDT