Bắc Giang: Cử cán bộ, giáo viên giám sát học sinh chấp hành luật giao thông

GD&TĐ – Sở GD&ĐT Bắc Giang xây dựng kế hoạch triển khai công tác giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông năm học 2016-2017.


Ảnh minh họa

Theo kế hoạch này, Sở GD&ĐT yêu cầu cử cán bộ, giáo viên giám sát việc chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông của học sinh trên các tuyến đường. Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an, thanh tra giao thông xử lý nghiêm những học sinh đi xe dàn hàng ngang, lạng lách đánh võng; tham gia cổ vũ và đua xe máy, ô tô; đi xe máy khi chưa đủ tuổi quy định hoặc chưa có giấy phép lái xe; vượt đèn đỏ, che ô khi tham gia giao thông bằng xe đạp, xe đạp điện, xe máy điện, mô tô, xe gắn máy…

Các nhà trường qua cuộc họp phụ huynh đầu năm học cần thông báo các quy định của nhà trường về việc phối hợp quản lý, giáo dục học sinh khi tham gia giao thông. Nghiêm cấm học sinh có các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông liên quan đến xe đạp điện, xe máy điện, đặc biệt là các hành vi không đội mũ bảo hiểm, lạng lách, đánh võng, vi phạm tốc độ; HS chưa đủ tuổi điều khiển mô tô, xe máy khi tham gia giao thông.

Tổ chức cho phu huynh học sinh kí cam kết với nhà trường về phối hợp quản lí, giáo dục học sinh thực hiện nghiêm pháp luật về trật tự an toàn giao thông.

Sở GD&ĐT cũng yêu cầu các trường xây dựng, duy trì hiệu quả mô hình “Cổng trường an toàn giao thông”; chủ động phối hợp với các ban ngành liên quan của địa phương trực tại cổng trường vào giờ cao điểm để phân làn, nhắc nhở phụ huynh và học sinh chấp hành đúng các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông, hạn chế ùn tắc cục bộ và phòng ngừa tai nạn xảy ra.

Tổ chức dạy bơi cho học sinh ở những địa bàn có điều kiện. Phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật về giao thông đường thủy nội địa, các phương pháp phòng, chống đuối nước cho học sinh. Các trường có học sinh đi học bằng đò thường xuyên nắm bắt tình hình, thông báo kịp thời cho chính quyền, chủ đò, gia đình về các đò không đủ điều kiện an toàn; yêu cầu học sinh phải sử dụng áo phao, cặp phao, dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân khi tham gia giao thông trên phương tiện thủy nội địa.

Đưa nội dung chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông vào nội quy nhà trường và là một trong những tiêu chuẩn đánh giá, xếp loại thi đua các tập thể, cá nhân. Tổ chức kiểm tra đột xuất việc nắm bắt, hiểu biết về những hành vi thể hiện “Văn hóa giao thông” và thực hiện pháp luật về trật tự an toàn giao thông tới từng lớp, từng học sinh…

Theo Giáo dục và Thời đại