Cổ phần hóa Việt Nam và những bài học

Sự kiện IPO Vietcombank – Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đầu tiên cổ phần hóa (26/12/2007) đã từng được mong đợi là liều “thuốc thử” đối với thị trường chứng khoán đang ảm đạm.
Tuy nhiên, đã hai năm trôi qua, nhưng vẫn còn đó, còn bỏ ngỏ những câu chuyện “ngày ấy – bây giờ”… Hành trình cổ phần hóa (CPH) các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) ở Việt Nam không phải là cuộc hành trình của một chuyến tàu cao tốc, ngược lại, có người đã gọi đó là một cuộc “trường chinh” mà chúng ta mới đang chỉ ở “khúc dạo đầu” với những bước đi chậm chạp và còn nhiều va vấp. Thực tế trong hai năm qua, quá trình này vẫn tiếp tục bộc lộ một số điểm bất cập cần được tiếp tục xem xét và khắc phục.

Định giá doanh nghiệp và những vệt số mờ
Định giá doanh nghiệp là một bước đệm quan trọng trong quá trình CPH, đòi hỏi tính chính xác và minh bạch. Nhưng dường như không phải doanh nghiệp nào cũng ý thức được điều đó.
Tháng 11 vừa qua, Thanh tra chính phủ đã xác định hàng loạt sai phạm trong quá trình CPH tại Tập đoàn Bưu chính viễn thông VNPT và các đơn vị thành viên. Trong đó phải kể đến trường hợp nhà máy Thiết bị bưu điện (thuộc VNPT) đã để xảy ra những sai phạm không nhỏ như việc xác định thiếu giá trị lợi thế kinh doanh vào giá trị doanh nghiệp số tiền trên 3 tỉ đồng; xác định thiếu vào giá trị doanh nghiệp làm giảm vốn nhà nước số tiền 700 triệu đồng. Bên cạnh đó là trường hợp của Tập đoàn Điện lực Việt Nam- áp dụng không đúng suất đầu tư, đơn giá xây dựng cơ bản… dẫn đến làm giảm giá trị doanh nghiệp tại 2 trong 3 đơn vị được thanh tra với số tiền trên 4.475 triệu đồng.
Rõ ràng khi những “vệt số mờ” trên được đưa ra ánh sáng, cũng là khi Nhà nước đã phải gánh chịu với những thất thoát lớn về giá trị tài sản, với con đường mờ mịt hơn trong nỗ lực đẩy nhanh CPH ở các tập đoàn, tổng công ty lớn ở Việt Nam.
Tái cấu trúc DNNN – vẫn chuyện “xanh vỏ đỏ lòng”
Trong những năm qua người ta vẫn không ngừng bàn về chuyện “bình mới rượu cũ”, đổi mới theo phong trào, nặng về hình thức. Tình trạng phổ biến hiện nay là công tác cổ phần hóa DNNN thường không đạt kế hoạch, nhất là đối với doanh nghiệp quy mô lớn thuộc các lĩnh vực viễn thông, tài chính, ngân hàng.
Một điểm đáng lo ngại dẫn đến sự chậm trễ đó là việc nhiều doanh nghiệp vẫn bế tắc trong việc xử lí những tồn tại về tài chính, thậm chí không thể quyết toán để bàn giao tài chính sang công ty cổ phần theo quy định vì không còn vốn nhà nước. Thực tế cho thấy, trong quá trình cổ phần hóa, việc huy động vốn từ các tổ chức, cá nhân bên ngoài rất khó khăn, dẫn đến phần vốn Nhà nước vẫn chiếm tỷ trọng lớn (có nơi tới 85 – 90%) trong tổng vốn điều lệ của các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, những doanh nghiệp đã cổ phần hóa thường vẫn sử dụng những người quản lý cũ với cơ chế quản lý, điều hành của DNNN trong quản trị công ty mới. Hiện tượng luân chuyển theo hình thức giám đốc doanh nghiệp cũ làm Chủ tịch Hội đồng quản trị, phó giám đốc doanh nghiệp cũ làm giám đốc công ty cổ phần không phải là điều gì mới mẻ. Có thể thấy việc chỉ đơn thuần “đổi biển tên và card business” như trên khó có thể đem lại hiệu quả gì, mà trái lại, chỉ gây ra sự “lệch pha”, mâu thuẫn giữa tư duy, tác phong cũ và cơ cấu tổ chức mới. 
Hệ quả của sự lệch pha này đã được nhìn rõ khi ở một số doanh nghiệp, giám đốc hoặc tổng giám đốc cùng với một nhóm cổ đông lớn “phớt lờ” cổ đông nhỏ, Hội đồng quản trị, Đại hội cổ đông trong các quyết định của công ty. Tình trạng này dẫn đến chuyện khiếu kiện kéo dài phức tạp, khiến hiệu quả sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng tiêu cực. Không những thế, đến nay đã có những công ty sau hai, ba năm vẫn không tiến hành được Đại hội cổ đông, vi phạm nghiêm trọng Luật Doanh nghiệp.

Từ góc nhìn đối tác chiến lược
Đối với các doanh nghiệp CPH, đối tác chiến lược nước ngoài có thể trở thành nguồn hỗ trợ đắc lực tạo nên sức bật trong việc cải thiện năng lực và vị thế cạnh tranh của công ty trong thời điểm mới đặt chân lên mảnh đất hội nhập. Tuy nhiên làm thế nào để thu hút, thỏa hiệp và giữ chân các đối tác đó vẫn là một dấu hỏi lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam.
Hai năm trước, Vietcombank tiến hành IPO đã huy động được 625 triệu đô la Mỹ, tuy nhiên vẫn thất bại trong việc tìm kiếm đối tác chiến lược nước ngoài bởi các đối tácquay lưng nhanh chóng sau khi xem xét tình hình ngân hàng và các quy định pháp luật liên quan. Bên cạnh đó là hàng loạt những cuộc “giao bôi” vỡ chén tràn ly như của Vinamit – Indochina, Sacombank – IFC…
Điều này được giải thích một phần bởi quy định hiện hành chưa phù hợp , như việc đòi hỏi giá bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài xác định bằng giá đấu thành công bình quân. Cách tính này không được nhiều nhà đầu tư nước ngoài chấp nhận, vì họ cho rằng mức giá không có lợi, trong khi họ vẫn phải hỗ trợ doanh nghiệp về quản trị và công nghệ. 
Bên cạnh đó cũng phải kể tới sự thiếu sẵn sàng để mở cửa và hợp tác trong chính các doanh nghiệp Việt Nam. Thói quen giữ kín tình hình làm ăn, sự lo ngại bị người ngoài thao túng, bối rối trước áp lực đặt ra từ phía cổ đông nước ngoài đã khiến không ít công ty hoang mang, thậm chí đi đến những cách xử lí đối phó như “tô vẽ” báo cáo tài chính, gây mất lòng tin, và cố nhiên, mở đường cho đổ vỡ.
Chặng đường cổ phần hóa – bến đỗ còn xa…
Không thể phủ nhận rằng sau chặng đường đầy nỗ lực gần 20 năm qua, “lăn bánh” từ sân ga số 1, số 2, rồi đến sân ga 9 3/4, hành trình CPH đã đem đến cho các DNNN Việt Nam một diện mạo mới, một triển vọng mới. Cũng không thể phủ nhận những tác động tiêu cực từ cuộc khủng hoảng kinh tế gần đây đã tạo ra nhiều chướng ngại trong việc hoàn thành mục tiêu CPH ở nước ta về cả số lượng và chất lượng. Tuy nhiên, vẫn có những tồn tại chủ quan mà nếu như được khắc phục kịp thởi hơn, thì có lẽ đến giờ phút này, chúng ta đang ở sân ga số 10 tròn trĩnh hoặc xa hơn thế nữa… 
Trước hết là vấn đề hành lang pháp lí. Hiện nay, một số quy định pháp luật về CPH chưa thật sát với thực tế hoặc chậm được cụ thể hoá hướng dẫn thi hành, trong đó có các nội dung như tính giá trị đất, xác định lợi thế về địa lý, giá trị thương hiệu, lựa chọn cổ đông chiến lược, minh bạch các thông tin về CPH… Điều đó đã gây lúng túng trong thực thi và quản lí, phải mất thêm thời gian xin ý kiến chỉ đạo của cấp có thẩm quyền, kéo dài thời gian CPH, dẫn đến sự mập mờ trong tổ chức thực hiện như trường hợp của Intimex trước đây. Ngoài ra, để đảm bảo quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp diễn ra suôn sẻ, khung pháp lí nhất thiết phải rõ ràng, ổn định, nhất quán, ví dụ như lương của người đại diện vốn của nhà nước tại doanh nghiệp đã CPH như thế nào, trong những lĩnh vực nào mà nhà nước phải giữ 100% vốn, từ đó doanh nghiệp mới có thể phân định rõ trách nhiệm của doanh nghiệp ra sao…
Bên cạnh đó, không thể bỏ qua nhân tố con người. Đã chấp nhận chung tay góp sức vào quá trình CPH nghĩa là phải nỗ lực hoàn thiện cả về kiến thức, kĩ năng và tâm lí. Trong bước đầu hội nhập, việc thuê những tư vấn quốc tế, kể cả thuê tổng giám đốc điều hành là một phương án linh động và tích cực. Nhưng về mặt lâu dài, muốn tự mình thoát khỏi những hoang mang lo ngại khi đứng trên trường quốc tế thì rõ ràng nguồn nhân lực trong nước phải từng bước hoàn thiện theo một kế hoạch dài hơi. Cải thiện nguồn lực trong nước đi đôi với triệt tiêu dần những tư tưởng bao cấp, bảo thủ mới có thể đảm bảo nguồn “nhiên liệu” dài hạn cho tiến trình CPH ở nước ta.

Có lẽ lại là một cuộc hành trình dài, nhưng sẽ còn “dài” hơn nếu không kịp thời “lăn bánh”…

Theo Diễn đàn quản trị