Dân làm marketing thường rất oai và trông khá bóng bẩy, từ cách ăn nói cho đến đi đứng nằm ngồi. Ai hỏi làm gì, họ sẽ kiêu hãnh trả lời ngay: “Tớ làm marketing”.
Ở các lớp học, mỗi khi nhắc đến marketing là người ta nói ngay đến 4P, gần đây thêm mấy P nữa nên hình như thành 7. Bao nhiêu lý thuyết, công thức và kế hoạch được lập để ứng dụng các P vào công việc. Vậy mà bây giờ hỏi một người làm marketing xem marketing là làm gì thì chưa chắc đã có được câu trả lời dễ hiểu.
Thuật ngữ marketing cũng dễ gây “choáng”. “Marketing hỗn hợp” chẳng hạn, nghe rất chi là… hỗn độn.
Marketing có phải là quảng cáo không? Đúng. Marketing là đem chai dầu gội đầu nhỏ xinh đến gõ cửa từng nhà dân và tặng cho họ một cách hân hoan? Đúng. Marketing là cầm tờ giấy và cây bút đến chỗ đông người, thấy ai hiền hiền thì đến hỏi xin vài câu? Đúng luôn! Và còn nhiều nữa.
Làm marketing để làm gì có lẽ là câu hỏi thiết thực hơn. Hay đặt vấn đề khác đi một chút, nếu không có marketing thì có sao không?
Câu chuyện là thế này.
Cuối tuần, bà hàng xóm đi chợ về ngang cổng, dừng lại “tám” với vợ ta vài câu thì phát hiện ra ta đang hí hoáy sửa ống nước. Bà tỏ ra ngạc nhiên lắm: “Ôi, thế chú biết sửa cả ống nước à?”.
“Vâng, sửa tốt! Em là kỹ sư điện mà lị!”
“Tôi tưởng kỹ sư điện như chú thì biết gì ống nước mà sửa chứ!”
Rồi bà quay sang vợ ta: “Cái cô này, có chồng hay thế mà chả chịu ‘marketing’ gì cả, biết thế để hôm nào tôi… nhờ!”
Có đến mấy vấn đề của marketing ở đây.
Đầu tiên, tuy là kỹ sư điện nhưng thực tế có thể sửa ống nước, vậy là có vấn đề về sản phẩm, tức là chữ P đầu tiên, Product (Sản phẩm).
Thứ đến, biết sửa ống nước nhưng bà hàng xóm sát bên lại không hề biết và chưa nhờ được lần nào, như vậy chắc chắn có vấn đề với chữ P thứ ba: Place (Kênh phân phối).
Sự thật là ta toàn ở trong nhà, có vợ ta bên cạnh thì làm sao bà hàng xóm nhờ vả gì được. Chưa hết, giá mà vợ chịu khó chạy sang bảo với bà hàng xóm: “Chị có cần sửa ống nước không, hôm nay nhà em rảnh?” thì chắc tình hình đã khác. Đây là vấn đề của chữ P thứ tư: Promotion (Truyền thông hay Xúc tiến thương mại).
Mới sơ sơ đã thấy chỗ nào cũng có vấn đề. Vậy còn chữ P nữa là gì?
Hiển nhiên là ta tốt bụng và vợ cũng thế nên rất sẵn lòng giúp bà hàng xóm, nhưng ta cũng thấy buồn nếu giúp người xong mà không nhận lại gì, chí ít cũng là cái kẹo chứ nhỉ. Sửa ống nước xong có đòi kẹo hay không là thuộc về chữ P thứ hai: Price (Giá). Trong tình huống cụ thể này thì chắc chỉ được cái kẹo thôi, chứ hơn nữa thì bà hàng xóm đi kêu thợ cho rồi chứ nhờ kỹ sư điện sửa ống nước làm gì cho… rủi ro.
Chuyện về marketing là vậy, bắt đầu giản dị thế thôi, bàn nhiều sẽ thành ra phức tạp như… marketing. Có thể thấy rõ là marketing rất quan trọng, vì thiếu nó thì ta sẽ chẳng là ai trong mắt… bà hàng xóm.
Hiểu một cách chất phác thì marketing là để cho người khác biết ta có những gì và thúc giục họ tiếp nhận chúng. Với cách hiểu đó thì ta phải marketing trong mọi tình huống và hoàn cảnh, từ công việc cho đến… tình yêu, từ cá nhân cho đến công ty, tổ chức.
(*) Nội dung bài viết trích từ cuốn “Quản trị học vui vẻ” của tác giả Vũ Thái Hà.
Theo Trí Thức Trẻ