Sử dụng video trực tuyến hiệu quả: cần nắm bắt cơ hội kết nối với người dùng

Hành vi “tiêu thụ” nội dung số của người tiêu dùng đã có sự thay đổi mạnh mẽ trong thời gian gần đây đang tạo ra cơ hội cho các thương hiệu trong việc gia tăng sự kết nối… 


Ảnh minh họa
Việt Nam có dân số hơn 90 triệu người nhưng có đến hơn 130 triệu thuê bao di động. Bình quân mỗi ngày, một người truy cập internet bằng điện thoại di động khoảng 150 lần, mỗi lần cách nhau 6 phút rưỡi.

Là điểm đến của nhiều loại smartphone giá rẻ khiến người dùng Việt Nam sở hữu phương tiện này dễ dàng hơn. Với mức độ sở hữu các thiết bị kết nối ngày càng gia tăng này, người tiêu dùng hoàn toàn chủ động truy cập vào các dịch vụ nội dung số vào bất cứ khi nào, ở bất cứ nơi đâu.

Báo cáo của Nielsen công bố hồi cuối tháng 6/2016 cho thấy, 9 trong 10 người Việt (91%) sở hữu điện thoại thông minh như là thiết bị cá nhân, so với mức 82% trong năm 2014. Bên cạnh đó, thiết bị truyền hình cáp (Pay tivi/cable tivi – 79%), máy tính xách tay (78%) và máy tính để bàn (75%) vẫn là các thiết bị hàng đầu được người Việt sở hữu.

Mức độ sở hữu tivi thông minh và máy tính bảng vẫn được duy trì ở mức cao (trên 43%). Điều thú vị là hầu hết người Việt đều thích tương tác với các thiết bị truy cập internet khác ngay trong lúc họ đang xem tivi. Khi mức độ sở hữu thiết bị kết nối ngày càng tăng thì việc tương tác với hai thiết bị cùng lúc dường như sẽ trở thành một điều tất nhiên.

Về thiết bị, có đến 31% người dùng thường xuyên truy cập bằng smartphone và 38% sử dụng máy tính xách tay. Ông Đoàn Duy Khoa – Giám đốc Bộ phận nghiên cứu hành vi người tiêu dùng Nielsen Việt Nam cho rằng, sự tăng trưởng nhanh chóng của các thiết bị kết nối, đặc biệt là smartphone và máy tính bảng là nhân tố chính thúc đẩy mức độ tiêu thụ các nội dung số mạnh mẽ hơn là các hình thức truyền thông truyền thống như tivi, cũng như tạo ra các khung giờ vàng mới bên cạnh khung giờ truyền thống.

Về truyền thông, tivi truyền thống tiếp tục giữ vững vị trí dẫn đầu xét về khía cạnh nền tảng cung cấp nội dung và thông tin cho người tiêu dùng, với 72% người tiêu dùng vẫn thường xuyên xem tivi. Tuy nhiên, các nền tảng thay thế đang phát triển mạnh mẽ.

Có đến 78% người tiêu dùng cho biết họ xem phim ảnh và các chương trình truyền hình bằng các nền tảng trực tuyến như video theo nhu cầu (VOD: video-on-demand), và 67% người tiêu dùng sử dụng dịch vụ VOD đã xem các nội dung qua VOD mỗi ngày. Trong đó, xem qua YouTube (chiếm 97%), Facebook (81%) và trang nghe nhạc nhaccuatui.com (56%).

Công bố của Google vào cuối tháng 3 vừa qua cũng cho thấy, hình thức video trực tuyến rất được người tiêu dùng Việt Nam quan tâm và đã được các DN khai thác tốt. Trong đó, YouTube rất được người tiêu dùng ưa thích. Hiện nay, Việt Nam là 1 trong 10 quốc gia có thời lượng xem YouTube đứng đầu thế giới, theo công bố của Google.

Các chuyên gia cho rằng, có nhiều sự lựa chọn hơn nữa trong việc truy cập nội dung số và việc xem nội dung theo nhu cầu là yêu cầu không thể thiếu của người tiêu dùng hiện nay và điều này là động lực thúc đẩy người tiêu dùng chủ động tìm kiếm các nguồn cung cấp nội dung số.

Theo bà Nguyễn Phương Anh – Giám đốc tiếp thị thị trường Việt Nam, Google châu Á – Thái Bình Dương, yếu tố sáng tạo chiếm vị trí quan trọng trong ngành công nghiệp quảng cáo tại Việt Nam. Các nhãn hàng ở Việt Nam đang tiếp cận video kỹ thuật số và xem đây là cách quảng bá, tiếp cận khách hàng hữu hiệu hiện nay.

Việc cần làm của các nhà cung cấp thông tin truyền thông (báo chí, truyền hình…) là hiểu thói quen sử dụng, truy cập thông tin cũng như nội dung số của người tiêu dùng để từ đó có thể đưa ra các nội dung thông tin vào đúng thời điểm để đạt được hiệu suất cao nhất.

“Điều này sẽ giúp họ làm việc hiệu quả với các đối tác quảng cáo nhằm mở khóa các cơ hội kết nối và gắn kết với người tiêu dùng để tạo dựng nhận thức về thương hiệu, các mối quan hệ tương hỗ cũng như lòng trung thành của người tiêu dùng đối với nhãn hàng”, ông Đoàn Duy Khoa tư vấn.

Theo DNSG