Giáo dục là gốc của xã hội, một nền giáo dục tốt đơn giản là một nền giáo dục “dám ý kiến”.
Mạng xã hội là một phát kiến tân tiến của nhân loại, ưu điểm lớn nhất mà nó đem lại cho loài người là tính tương tác, lượng thông tin khổng lồ nhanh nhạy và tinh thần “dám ý kiến” hay nói chính xác hơn là tinh thần dám phản biện.
Một nền giáo dục hiện đại phải dựa trên tinh thần dám phản biện, khi đó thầy với trò sẽ tiếp thu bài học một cách thấu đáo và sáng tạo hơn. Từ đó nhìn rộng ra mọi mặt xã hội, tinh thần “dám ý kiến” sẽ giúp cho xã hội đó phát triển, hoàn thiện và khoa học hơn. Đích đến của loài người là khát vọng một xã hội văn minh, một xã hội tôn trọng quyền con người và tinh thần “dám ý kiến” là một quyền được hiến định của con người…
Dư luận xã hội từng bàn luận chuyện “vợ phi công Trần Quang Khải được đặc cách tuyển dụng vào ngành giáo dục”, được cô giáo Trần Thị Mỹ Hà – tổ trưởng tổ Văn Trường trung học phổ thông Trần Nhân Tông, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) nhận định trên trang facebook cá nhân của mình rằng: “Giống cộng điểm ưu tiên trong tuyển sinh đại học, Ku Tây không thích điều này”.
Như vậy, khái niệm “không thích” là rất thẳng thắn rõ ràng, không vi phạm pháp luật, và là quyền của cô giáo. Mặt khác, trong các diễn đàn hội thảo về “cải cách giáo dục” đã rất nhiều trí thức, nhà nghiên cứu đưa ra vấn đề bỏ việc ưu tiên điểm tuyển sinh để đem lại sự công bằng cho các thí sinh, vậy ý kiến của cô giáo Hà là có lý chứ?
Chấp nhận sự khác biệt là một thái độ văn minh, phản chiếu sinh hoạt dân chủ trong xã hội. Đồng ý rằng, bức xúc là trạng thái rất thật của con người, và một đám đông có quyền bức xúc với một ý kiến trái chiều, nhưng sự bức xúc đó phải dựa trên việc phản biện có văn hóa, có lý, không thể áp đặt, suy diễn, phán xét ý kiến của cô giáo Hà là nhỏ nhen, là ích kỷ được.
Và cũng không thể dùng đám đông để “cảnh cáo” cô giáo Hà chỉ vì cô ấy “dám ý kiến”. Nhưng buồn thay, chiều 23/06, ông Phan Thanh Tùng, Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Trần Nhân Tông cùng chi bộ nhà trường họp khẩn và quyết định thống nhất hình thức cảnh cáo cô giáo Hà.
Lịch sử đã minh chứng bao lần, đám đông có thể là sức mạnh nhưng chưa chắc đám đông là đại diện cho chân lý…
May thay, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung, với tư cách cá nhân đã kịp thời lên tiếng với truyền thông, ông cho rằng “nhà trường không nên kỷ luật cô Hà chỉ vì nêu ý kiến trên mạng xã hội”.
Cũng là câu chuyện giáo dục, nhớ lại hình ảnh đơn độc của cô giáo Nguyễn Thị Minh Đệ trong một phiên tòa ngày 07/06 tại tỉnh Phú Yên, với chiếc áo dài thật đẹp, nghiêm trang quen thuộc trên bục giảng đường, không một đồng nghiệp, không một học trò bên cạnh, nhưng cô đã thắng, công lý đã đứng về phía cô. Chỉ vì thương quý học trò, chỉ vì mạnh dạn đấu tranh với tiêu cực trong việc thi cử, cô đã bị hiệu trưởng nhà trường nơi cô dạy học và một “đám đông quyền lực” trù dập, bị cắt lương, bị cấm bước chân vào trường.
Đã 07 lần mở phiên tòa, nhiều lần trì hoãn, hơn 03 năm theo kiện và gần 10 năm sống lay lắt khó khăn… cuối cùng, tòa đã chấp nhận phần lớn yêu cầu của cô. Công lý dù muộn màng nhưng cuối cùng đã chiến thắng.
Đất nước này nói chung, ngành giáo dục nói riêng rất cần những nhận định đúng mực kịp thời như của ông Chủ tịch thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung, và cần hơn bao giờ hết những vị hiệu trưởng biết lắng nghe và cho phép đồng nghiệp mình, học trò mình phản biện. Giáo dục là gốc của xã hội, một nền giáo dục tốt đơn giản là một nền giáo dục “dám ý kiến”.
Với một nền giáo dục có quá nhiều bất cập như hiện nay, cần lắm những tinh thần “dám ý kiến”!
Theo Cafebiz