Phụ huynh nên biết điều này nếu có con sử dụng mạng xã hội

Cả nước có khoảng 3,3 triệu trẻ em có nguy cơ bị bạo lực cần được bảo vệ, chiếm tới 12% số trẻ em ở nước ta hiện nay….

Đây là thông tin được đưa ra trong Hội thảo “Bảo vệ trẻ em gái trước bạo lực” do Viện Dân số, Gia đình và Trẻ em tổ chức ngày 29/7 tại Hà Nội.


TS Nguyễn Đức Mạnh, Viện trưởng Viện Dân số, Gia đình và Trẻ em phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, TS Nguyễn Đức Mạnh, Viện trưởng Viện Dân số, Gia đình và Trẻ em cho biết, mặc dù pháp luật Việt Nam nói chung, Luật Trẻ em nói riêng đã ban hành nghiêm cấm các hành vi liên quan đến xâm hại tình dục, bạo lực, lạm dụng, bóc lột trẻ em nhưng những vụ bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái vẫn xảy ra không chỉ trong đời sống thực tiễn mà còn diễn ra ngay trên mạng xã hội.

Bạo lực ở trẻ em không chỉ dừng lại ở việc trẻ bị đánh đập mà nguy cơ trẻ bị lạm dụng buôn bán, xâm hại tình dục đặc biệt là bạo lực với trẻ bị khuyết tật ngày càng tăng lên, cao gấp 3-4 lần so với những trẻ bình thường.

Theo TS Nguyễn Đức Mạnh, nhiều trẻ em gái đã trở thành nạn nhân của những hành vi bạo lực dưới mọi hình thức như bạo lực về tinh thần, thể chất, mua bán vì mục đích thương mại…

Một trong số đó là bạo lực trên mạng đối với trẻ em gái. Theo đó, tình trạng xâm hại tình dục trẻ em, bóc lột và lừa đảo trẻ em trên mạng ngày càng gia tăng. Tại Việt Nam, hiện có khoảng 45 triệu người sử dụng Internet, trong đó học sinh, sinh viên chiếm 33%. Trẻ em có thể bị dụ dỗ vào các trò game online và phải trả tiền cho những trò chơi đó; bị lừa đảo tài sản hoặc bị xâm hại tình dục thông qua mạng xã hội…

Thực tế đã có nhiều trường hợp trẻ em sa vào những trò chơi trên mạng dẫn đến xao nhãng việc học tập hay thậm chí bỏ nhà đi bụi vì bị dụ dỗ chơi game online. Hay đau lòng hơn là trường hợp của em gái N.T.T.L (SN 1995, ở Thạch Thất, Hà Nội) đã tử tử bằng thuốc sâu do bị bạn cùng lớp ghép ảnh L ăn mặc hở hang rồi post (đăng) lên mạng xã hội và bị bạn bè trêu trọc…

“Hệ lụy của những hình thức bạo lực này mang lại hậu quả khôn lường không chỉ ở hiện tại mà ảnh hưởng đến tương lai của các em sau này. Nhiều vụ việc đã bị phơi bày, kẻ xấu bị pháp luật trừng phạt, tuy nhiên các vụ bạo lực trẻ em gái không có chiều hướng giảm mà còn được diễn biến dưới nhiều hình thức tinh vi, đa dạng hơn. Vì vậy, gia đình, nhà trường, các tổ chức xã hội cần phải cùng nhau bảo vệ trẻ em gái trước các hành vi bạo lực”, TS Nguyễn Đức Mạnh nói.

Về nguyên nhân dẫn đến bạo lực đối với trẻ em gái tại Việt Nam, ông Hà Đình Bốn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết: Có nhiều yếu tố dẫn đến các hành vi bạo lực đối với trẻ em. Chẳng hạn, nhiều bậc phụ huynh coi việc trừng phạt thể chất như một phương pháp hữu hiệu để giáo dục con cái, tuy nhiên, họ không nghĩ rằng, trừng phạt về thể xác hay la hét, quát mắng cũng chính là các hình thức bạo hành.

Bên cạnh đó, sự thay đổi nhanh chóng về mặt xã hội do cải cách kinh tế thị trường làm suy giảm sự gắn kết cộng đồng và các giá trị truyền thống, gia tăng thương mại hóa; công nghệ số phát triển cũng mang lại nguy cơ trẻ em bị xâm hại, bóc lột tình dục. Ngoài ra, lỗ hổng về luật pháp cũng làm kéo dài tình trạng dễ bị tổn thương của trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái.

Theo ông Hà Đình Bốn, hiện nay Việt Nam vẫn thiếu một hệ thống bảo vệ trẻ em toàn diện cấp quốc gia với pháp luật và chính sách phù hợp cũng như thiếu các dịch vụ bảo vệ trẻ em chuyên nghiệp; chưa có điều tra quốc gia về bảo lực trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái; chưa có các nghiên cứu xác định rõ ràng về tất cả các hình thức bạo lực tình dục đối với trẻ em nói chung và trẻ em gái nói riêng.

Do đó, cần rà soát, xây dựng, điều chỉnh luật pháp để cấm các hình thức bạo hành, xâm hại trẻ em trong gia đình, trường học, khu vui chơi giải trí hay trên mạng Internet; củng cố việc thi hành pháp luật liên quan đến bạo hành, xâm hại trẻ em và có những giải pháp tích cực về mặt chính sách quốc gia và địa phương để phòng ngừa và hỗ trợ nạn nhân; xây dựng các Nghị định, Quyết định, Thông tư hướng dẫn để tăng cường thực hiện các điều khoản bảo vệ trẻ em được nêu trong Luật trẻ em 2016.

Theo Gia đình