Học sinh Tiểu học Singapore xuất bản sách cho trẻ mầm non

Mặc dù còn nhỏ tuổi, 13 học sinh lớp 4 ở Singapore đã có thể tự xưng là tác giả sách thiếu nhi sau khi hợp tác hoàn thành cuốn sách dành cho trẻ em mầm non và tiểu học.

Theo Straits Times, trong kỳ nghỉ hồi tháng 4, các tác giả nhí trường tiểu học Teck Whye tập trung làm việc với cường độ cao suốt 3 ngày để sáng tác những câu chuyện lấy cảm hứng từ bảo tàng Intan.

Hai cuốn sách, thành quả từ tinh thần làm việc hăng say, phản ánh cách nhìn, trí tưởng tượng của trẻ em về văn hóa. 

Ngày 22/7, 900 cuốn sách sẽ được chuyển tới các trường mầm non gần Teck Whye. 

Hoạt động viết, xuất bản sách của 13 em nằm trong chương trình I Lead I Serve nhằm hướng học sinh tới việc ứng dụng kiến thức vào cuộc sống và rèn luyện khả năng lãnh đạo.

Ý tưởng viết sách xuất phát hoạt động trao đổi văn hóa với các trường Malaysia, Trung Quốc.


Ảnh minh họa

Phó hiệu trưởng Ong Lay Khim, 52 tuổi, cho biết, Teck Whye muốn tạo ra nhiều sản phẩm mang tính ứng dụng cao hơn từ chương trình. 

Bà nói: “Chúng tôi nghĩ, tại sao không để học sinh tự viết sách. Tại thời điểm này, nó mang lại cơ hội cho những học sinh sáng tạo và đam mê sáng tác”.

Dự án này được khởi động từ năm ngoái. Các nhóm học sinh viết sách về môi trường cho chuyến đi đến ngôi trường vùng nông thôn ở Surabaya, Indonesia.

Năm nay, trường khuyến khích học sinh lớp 4 viết các bài văn. Từ đó, họ sẽ chọn những bài tốt nhất để đưa vào cuốn sách mới.

Tháng 3, trường chọn 13 học sinh từng học về sáng tác, chia thành hai đội để các em tìm hiểu bảo tàng The Intan, lên ý tưởng cho nội dung sách. 

Sia Hao Rui, 9 tuổi, cho biết, thành viên trong nhóm có rất nhiều ý tưởng và cảm thấy hào hứng với công việc viết lách.

Thành quả của nhóm em là cuốn Battle In The Peranakan House Museum nói về đồ gốm sứ Trung Hoa tại bảo tàng. Trong khi đó, cuốn Secrets In The House Museum của nhóm kia kể lại những câu chuyện bí ẩn trong nhà kho của The Intan. Các em chọn đề tài này vì tò mò không biết cái gì ở trong đó sau khi bị cấm tham quan nhà kho.

Cố vấn sáng tác  Su-Ann Mae Phillips chịu trách nhiệm hỗ trợ học sinh phát triển ý tưởng, chỉnh sửa câu chữ. Alvin Yapp, ông chủ bảo tàng, đọc bản thảo để đảm bảo những chi tiết trong cuốn sách phù hợp. Ông rất khâm phục trí tưởng tượng, cũng như khả năng sáng tạo của trẻ em.

Hai cuốn sách được in 1.750 bản từ nguồn tài trợ của Ủy ban Di sản Quốc gia. 900 bản trong số đó được phát cho 24 trường mầm non. Số còn lại được dành cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 trường tiểu học Teck Whye và các trường nước ngoài cùng tham gia hoạt động trao đổi văn hóa.

Kailasom Aditya Suresh, đồng tác giả cuốn Secrets In The House Museum, nói: “Cháu hy vọng mọi người sẽ thích, hứng thú đọc nó và cảm thấy đây là cuốn sách tuyệt vời”.

Trường Teck Whye dự định sẽ đăng bản mềm hai quyển sách lên Facebook để phục vụ nhiều độc giả hơn.

Hiệu trưởng Suraj Nair cho biết, dự án viết sách là một trong những đặc sắc riêng của trường với mục tiêu hướng dẫn học sinh học tập để phục vụ cộng đồng. 

Theo News Zing