Bàn về sự cần thiết của chương trình dạy kỹ năng sống cho trẻ em, chuyên gia giáo dục, thạc sĩ Ngô Thị Kim Chi cho rằng ngành giáo dục nên có một chương trình chính khóa dạy kỹ năng sống cho trẻ em ngay từ bậc học tiểu học.
“Lưng chừng” giáo dục kĩ năng sống
Kĩ năng sống là những kĩ năng, năng lực cần thiết mà một con người cần được rèn luyện ngay từ khi còn nhỏ như thói quen sinh hoạt đúng mực, luôn xây dựng cho mình tinh thần tự giác, tự lập, tự chủ trong suy nghĩ và hành động, vừa có tinh thần cầu thị, vừa có kỹ năng tự giải quyết các vấn đề liên quan đến cá nhân, kĩ năng xây dựng mối quan hệ với người khác… Việc dạy kĩ năng sống cho trẻ hiện nay là vô cùng quan trọng, học hỏi kĩ năng sống giúp cho các em có thêm được sự tự tin cũng như khả năng tự vệ, có những kinh nghiệm sống cơ bản để bước vào xã hội.
Theo báo cáo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, trung bình mỗi năm cả nước có khoảng 3.500 trẻ bị chết đuối, nghĩa là có khoảng 9 trẻ tử vong do đuối nước mỗi ngày. Mới đây, vụ tai nạn do đuối nước thương tâm khiến 9 học sinh trường THCS Nghĩa Hà, Quảng Ngãi tử vong khiến dư luận bàng hoàng, hay vụ 5 em học sinh tại Huế bị đuối nước do chưa rèn luyện được kỹ năng bơi cũng như cách cứu bạn khi bị đuối nước. Trước nhiều vụ việc đó, dư luận đặt ra vấn đề có nên đưa thành một môn học chính thức trong chương trình giáo dục phổ thông.
Thời gian qua, Bộ Giáo dục và đào tạo (GDĐT) cũng đã có Thông tư hướng dẫn các trường chú trọng việc dạy kĩ năng sống cho mầm non, tiểu học, trung học cơ sở… Rồi Bộ, các Sở GDĐT cũng đã tổ chức được một số buổi tập huấn cho cán bộ, giáo viên; kêu gọi các trường tăng cường dạy kĩ năng sống cho học sinh. Tuy nhiên, cho đến nay việc dạy kĩ năng sống vẫn chỉ là dạy lồng ghép trong các môn học khác và nơi làm, nơi không. Vì vậy, việc giáo dục kĩ năng sống trong nhà trường hiện nay đang ở trạng thái nửa chừng, chưa rộng khắp, đồng bộ.
Cần sớm đưa giáo dục kĩ năng sống vào chính khóa từ bậc tiểu học
Liên quan về vấn đề này, Thạc sĩ Ngô Thị Kim Chi cho rằng: Trong thời gian qua, có rất nhiều những tai nạn thương tâm xảy ra đối với các em học sinh. Nguyên nhân chính là các em chưa được giáo dục cụ thể về những kỹ năng cần thiết, đối phó với những tình huống bất ngờ xảy ra. Do đó, để bảo vệ tính mạng của trẻ, theo nữ hoàng doanh nhân 2015, các bậc phụ huynh sẽ phải cùng phối kết hợp với nhà trường giáo dục, huấn luyện, đưa những buổi học dạy kĩ năng mềm cho học sinh thành những buổi học chính khóa, để học sinh tiếp thu những nền tảng giáo dục, trang bị cho mình những kĩ năng cần thiết.
Bà Ngô Thị Kim Chi dẫn chứng, người Nhật quan niệm dạy kĩ năng sống cho trẻ không phải từ khi bắt đầu đi học mà phải dạy từ khi trẻ mới sinh ra hoặc ngay tại Anh quốc học sinh tiểu học đã được học về cách quản lý tài chính và môn này trở thành môn bắt buộc dù các em còn rất nhỏ. Một báo cáo công bố mới đây của Quốc hội Anh cho rằng giáo dục tài chính từ sớm giúp các em ý thức được sự tiết kiệm.
Còn tại Việt Nam những kĩ năng như: phòng tránh tai nạn với nước, lửa, điện, tai nạn ngã thương tích, thiên tai hay các tình huống khẩn cấp, cách bảo vệ người khác, xử lý các tình huống gặp nạn, tránh để bị bắt cóc, dụ dỗ theo người lạ, kĩ năng xây dựng mối quan hệ với người khác… học sinh vẫn chưa được trang bị những kiến thức cơ bản này.
Cần đưa chương trình dạy kĩ năng sống cho trẻ em vào chính khóa từ bậc tiểu học
Thạc sĩ Ngô Thị Kim Chi (Ảnh: NVCC) cho rằng cần sớm đưa giáo dục kĩ năng sống vào chính khóa từ bậc tiểu học
Khi được hỏi về vấn đề giáo dục trẻ em ở bậc tiểu học với các kĩ năng sống, Thạc sĩ Chi cũng cho rằng: Bản thân các thầy cô giáo cũng phải nhận định rằng việc dạy kĩ năng sống cho học sinh là cấp thiết. UNESCO đã khuyến cáo về 4 trụ cột của học tập thế kỷ 21 là: Học để biết; Học để làm; Học để cùng chung sống; Học để làm người. Vì vậy, việc dạy kỹ năng sống cho trẻ hiện nay là điều cần thiết. “Các nhà trường phổ thông hiện nay muốn triển khai giáo dục kĩ năng sống cho học sinh phải cần một chương trình quốc gia mới tháo gỡ được.” – bà Chi nói.
Từ góc độ quản lý, bà Chi cho rằng: Ngành giáo dục cần tăng cường lồng ghép nội dung giáo dục kỹ năng mềm vào các giờ học chính khoá. Việc giáo dục không chỉ dừng lại “dạy chữ”, mà còn “rèn người”, giúp học sinh dễ dàng hoà nhập với xã hội, biết tự vệ, biết sống đúng, sống đẹp, sống có ích.
Theo Lao động