Vũng Tàu kiến nghị chưa mở rộng chuong trình VNEN

Ngày 25.7, Thành ủy Vũng Tàu (Bà Rịa-Vũng Tàu) đã có kết luận về việc triển khai mô hình trường học mới (VNEN) năn học 2016 – 2017 trên địa bàn thành phố.


Một lớp học theo mô hình VNEN tại Trường TH Bình Ba, H. Châu Đức, Bà Rịa-Vũng Tàu

Theo đó, Đảng bộ TP.Vũng Tàu thống nhất chủ trương chưa mở rộng chương trình VNEN vì các điều kiện cần và đủ để tổ chức thực hiện triển khai chưa đảm bảo, tâm lý của phụ huynh học sinh còn nhiều bất an.
Theo đó, tập thể Ban chấp hành (BCH) Đảng bộ TP.Vũng Tàu đã kiểm điểm, đánh giá kết quả triển khai thực hiện nghị quyết của HĐND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu về chương trình giáo dục mới VNEN trong năm học 2015 – 2016. Qua đó , Đảng bộ TP.Vũng Tàu nhận thấy các điều kiện cần và đủ để tổ chức thực hiện chưa đảm bảo, tâm lý của phụ huynh học sinh còn nhiều bất an. 
Căn cứ vào tình hình thực tế của TP.Vũng Tàu như: số trường lớp dạy 2 buổi/ngày, quy cách bàn ghế, đội ngũ giáo viên, sách giáo khoa, sự đồng thuận của phụ huynh học sinh, BCH Đảng bộ thành phố thống nhất kết luận kiến nghị HĐND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho phép thành phố chưa mở rộng VNEN trong năm học 2016 – 2017 đề địa phương có thời gian rà soát, bổ sung cơ sở vật chất, bồi dưỡng đào tạo đội ngũ thầy cô giáo; điều tra xã hội học về sự đồng thuận của phụ huynh học sinh.
Dạy học chương trình VNEN có khó, có hay
Dự án GPE-VNEN (Global Partnership for Education-Viet Nam Escuela Nueva, còn gọi là VNEN) được triển khai năm đầu với bậc học THCS ở Bình Thuận. Nhưng đây là năm thứ 5 đối với bậc tiểu học ở tỉnh này. Dù đã triển khai nhiều năm, nhưng với nhiều thầy cô giáo và cả phụ huynh học sinh thì đây vẫn là chương trình “khó” dạy, khó học.

Trước đó, ngày 19.7, Sở GD-ĐT tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã phối hợp với Phòng GD-ĐT H.Đất Đỏ tổ chức buổi họp mặt với phụ huynh học sinh lớp 6A5 và 6A6 của Trường THCS Đất Đỏ để đánh giá về kết quả học tập của 72 học sinh hai lớp này sau năm học đầu tiên áp dụng VNEN. Năm học 2015-2016, Trường THCS Đất Đỏ là trường học đầu tiên của H.Đất Đỏ dạy theo VNEN ở 2 lớp trên. Sau một năm học, 71/72 phụ huynh có con học theo VNEN không đồng ý cho con em mình tiếp tục học chương trình VNEN và muốn chuyển cho con sang các lớp dạy theo chương trình cũ.

Theo các phụ huynh, qua một năm học kết quả học tập của học sinh giảm rõ rệt. Một phụ hunh cho rằng theo VNEN, học sinh được chia nhóm học trong lớp đều không tập trung, hay nói chuyện riêng. Trong khi các học sinh giỏi thích mô hình này thì học sinh có học lực yếu, kém thì không. Học theo mô hình này học sinh không bị truy bài, không có bài tập nên các em gần như không chịu học bài. Trong khi đó phụ huynh muốn giảng dạy cho con rất khó vì chưa có sách tham khảo, không có điều kiện kèm con học…
Tại buổi họp mặt, lãnh đạo Sở GD-ĐT tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết nếu những phụ huynh, học sinh đang học theo VNEN có nguyện vọng chuyển lớp, chuyển trường thì nhà trường phải tạo điều kiện cho các em được chuyển lớp, không ép buộc học theo VNEN. Sở GD-ĐT tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng phân tích cho giáo viên, phụ huynh hiểu về những ưu điểm của VNEN như: tăng tính chủ động của học sinh, tạo sự tự tin, năng động, phát huy những phẩm chất, năng lực riêng của từng học sinh. Ngoài ra các em không phải chịu nhiều áp lực trong quá trình học tập và có thể vận dụng tốt kiến thức vào thực tiễn để giải quyết các vấn đề trong cuộc sống.

Theo Thanh niên