Đồng quê thành…thiên đường

Với mong muốn cho con được nghỉ hè đúng ý nghĩa, nhiều bậc phụ huynh ở Hà Nội đã dành thời gian đưa con về với thiên nhiên, học kỹ năng cùng con qua những trải nghiệm thực tế.


Ảnh minh họa

Học kỹ năng ở đồng quê
Buổi chiều chủ nhật ngày hè, bé Na được mẹ đưa sang khu vườn nhãn ở Gia Lâm. Nằm dưới chân cầu Vĩnh Tuy, khu vườn giống như một chốn thôn quê bình dị. Với một cô bé 7 tuổi, ở đây cái gì cũng lạ. Lần đầu tiên em được nhìn thấy những chùm nhãn sai trĩu trên cây, được thỏa sức chạy nhảy giữa bãi cỏ mênh mông, thích thú đuổi bắt bướm, được chạm tay chọc ghẹo cây xấu hổ….Vừa tung tăng bay nhảy, Na hét toáng lên: “Thích quá mẹ ơi. Ở đây giống như thiên đường!”.
Chị Lê Thị Huyền Trang, mẹ bé Na cho biết, những năm trước nghỉ hè, cả ngày bọn trẻ quanh quẩn với 4 bức tường, làm bạn với tivi, iphone, ipad… “So với mình hồi còn bé, bọn trẻ bây giờ no đủ hơn, nhưng lại quá thiệt thòi vì không có chỗ để chơi. Năm nay, khi bé đã lớn, chúng tôi quyết định tổ chức những chuyến đi xa, để con được chơi, được ngắm và được cảm nhận thế giới xung quanh”, chị Trang bộc bạch.

Cùng xu hướng với chị Trang, gần đây nhiều bậc phụ huynh ở Hà Nội đã đưa con đến với thiên nhiên, về với những vùng đồng quê. Trên các diễn đàn, trang mạng xã hội các thành viên đã chia sẻ những điểm vui chơi ngoài trời, kinh nghiệm tổ chức chuyến đi cắm trại dã ngoại… Tham gia vào nhóm “Cho trẻ ra ngoài chơi” trên mạng xã hội, chị Đinh Đức Hạnh, nhân viên kế toán ở quận Hoàng Mai cũng đã thay đổi quan điểm nuôi dạy con cái. Trước đây, lo sợ con ốm, chị Hạnh đã tạo ra một môi trường “vô trùng” hạn chế đi ra ngoài vì đâu cũng thấy mất an toàn, vệ sinh. Chị Hạnh chia sẻ: “Nói thực, khi thấy con lăn lê bò toài, quần áo, mặt mũi lem luốc trông đến tội, chỉ sợ con ốm, thế mà bé chơi say mê, chăm vận động và khỏe mạnh hơn…”.

Cùng con trải nghiệm thực tế
Từng cho con tham dự các khóa học kỹ năng, anh Trần Quốc Việt, một kỹ sư công nghệ thông tin tỏ ra thất vọng vì bản tính lười biếng, cẩu thả của con chẳng hề thay đổi. “Sau khóa học, lối sống của con chỉ thay đổi được vài ngày, rồi đâu lại vào đấy. Cũng chính từ các lớp học kỹ năng đó, tôi đã rút ra bài học: gia đình chính là lớp học của con. Lâu nay, vì mải lo mưu sinh, chúng ta quên môi trường học tập những kỹ năng mềm cần thiết. Thông qua trải nghiệm, môi trường thiên nhiên là cách giúp con lớn khôn, trưởng thành”, anh Việt nói.

TS Mạnh Hà, chuyên gia tâm lý học (Học viện Thanh thiếu niên VN) nhìn nhận, không có lớp học kỹ năng nào có thể tuyệt vời hơn gia đình. Cha mẹ chính là tấm gương của con trẻ, chơi cùng con, không chỉ gắn bó tình cảm giữa các thành viên trong gia đình, mà qua đó các bậc phụ huynh còn điều chỉnh và uốn nắn hành vi, lối sống của con trẻ. 

Chuyên gia này nhấn mạnh: “Trong cuộc sống hiện đại, dành thời gian ra ngoài chơi cùng con, làm bạn cùng con là cách chúng ta giúp con thực hành kỹ năng sống. Được tiếp xúc với thiên nhiên phong phú sẽ khiến trẻ biết rung động với cái đẹp, nuôi dưỡng tâm hồn nhân văn và hướng thiện. Những hoạt động vận động sẽ giúp trí não suy nghĩ tích cực, giảm đi suy nghĩ tiêu cực”.

Theo Thanh niên