Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng không dừng mô hình trường học mới VNEN mà sẽ điều chỉnh để các địa phương khai thác tối đa mặt tốt của mô hình này.
Liên quan đến việc một số địa phương vừa cho dừng mô hình trường học mới (VNEN) sau hơn hai năm triển khai, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM bên hành lang Quốc hội ngày 28-7, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ (ảnh) cho rằng Bộ sẽ rút kinh nghiệm về việc này và sẽ sớm có văn bản hướng dẫn các địa phương thực hiện sau thời gian thí điểm.
Áp dụng một cách máy móc là phản giáo dục
. Phóng viên: Thưa Bộ trưởng, ông bình luận gì về việc hiện nay một số tỉnh đã cho dừng áp dụng mô hình trường học mới VNEN, một mô hình Bộ kỳ vọng có nhiều đổi mới trong giáo dục?
+ Ông Phùng Xuân Nhạ: VNEN là một mô hình đổi mới trong tổ chức đào tạo, về mặt ý nghĩa thì tôi cho là rất tốt và trong thời gian qua cũng đã phát huy được những mặt tốt. Tuy nhiên, khi áp dụng mô hình này phải tính đến điều kiện thực hiện và sự chuẩn bị một cách kỹ lưỡng. Nếu áp dụng một cách máy móc mô hình này là phản giáo dục. Thực tế việc áp dụng vừa qua tại các tỉnh, thành cũng có những người khen và có những người băn khoăn, phản đối. Đổi mới thường là như vậy.
. Nhiều giáo viên, phụ huynh và học sinh ở một số địa phương đã thở phào khi tỉnh có quyết định tạm dừng mô hình này. Điều đó cho thấy VNEN là một gánh nặng đối với họ?
+ Những trường có điều kiện đã hào hứng với mô hình này vì tăng tính chủ động cho học sinh. Bộ sẽ rút kinh nghiệm trong việc này, hiện chúng tôi đang cho rà soát và sẽ sớm có văn bản hướng dẫn các địa phương để có cơ sở thực hiện phù hợp với thực tế địa phương mình.
. Những kinh nghiệm rút ra trong chuyện này là gì, thưa Bộ trưởng?
+ Đó là trước khi đưa ra một cái mô hình đổi mới phải nghiên cứu kỹ, hướng dẫn cẩn thận, phải có lộ trình thực hiện và mô hình ấy nó phải sống được trong cuộc sống. Làm sao để chính những người ứng dụng nó họ thấy hay thì đó mới chính là thực tiễn. Còn nếu mà áp đặt thì dù mô hình tốt; chủ trương, mục đích, tính khoa học là tốt nhưng chưa phù hợp với thực tiễn ở một số địa phương hay một số trường và sự chuẩn bị lại chưa được đầy đủ thì chưa đạt.
Ngoài ra, tâm thế của người quản lý, tâm thế của thầy cô, học sinh và phụ huynh chưa theo kịp với yêu cầu của mô hình. Việc chuẩn bị điều kiện để áp dụng cũng chưa nhuần nhuyễn. Vừa rồi, Bộ đã rút kinh nghiệm do công tác chuẩn bị, tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn chưa đầy đủ. Do đó, bây giờ phải chỉnh lại thôi. Muốn đổi mới thì cũng phải có từng bước đi dần dần.
Học sinh thấy không tốt thì là thất bại
. Đến thời điểm này cũng đã hết thời gian thí điểm, vậy Bộ sẽ tiếp tục hay cho dừng mô hình này?
+ Không phải là bỏ mà là điều chỉnh để làm sao các địa phương khai thác tối đa mặt tốt mô hình trường học mới VNEN, phù hợp với điều kiện của mình. Nói dừng lại thì không phải vì sẽ ngược lại với chủ trương đổi mới.
Vừa rồi, trao đổi với một số lãnh đạo địa phương, các đồng chí cũng bộc bạch là không phải dừng theo nghĩa là cấm hẳn, bỏ hẳn. Một số địa phương có cách hiểu cứng nhắc là áp dụng một cách đồng loạt mô hình VNEN. Như vậy là không đúng nên mới bảo là tạm dừng, chứ còn về mặt chủ trương là vẫn phải tiếp tục đổi mới. Khi nào người thầy, người trò mà đặc biệt là học sinh, phụ huynh thấy mô hình đấy là tốt thì mới là thành công, còn người quản lý thấy tốt mà học sinh và phụ huynh thấy không tốt thì là thất bại.
. Xin cám ơn ông.
Theo Pháp luật