Nhờ có Chương trình Đảm bảo chất lượng giáo dục trường học (SEQAP), các em HS dân tộc được học cả ngày. Các em được ở lại trường ăn trưa, nghỉ ngơi và ôn tập bài vở cho buổi chiều.
Những bữa ăn trưa đầy ý nghĩa
Thầy Đặng Tiến Lợi – Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bình Chân – chia sẻ: Không giống như trước đây các em tan học buổi sáng là ra về. Nhiều HS nhà xa trường vài cây số phải đi bộ khá vất vả. Thậm chí có em do nhà quá xa nên phụ huynh cho các em tự ở lại.
Từ khi có Chương trình SEQAP, HS được hỗ trợ rất nhiều thứ, từ bữa ăn trưa, đến các đồ dùng học tập khác. Phấn khởi nhất là phụ huynh không phải đón đưa con mỗi buổi, yên tâm giao cho nhà trường đến chiều mới đón về. Mặc dù mỗi tuần chỉ có 2 bữa ăn trưa tại trường, nhưng với các em đó là cơ hội để trang bị những kỹ năng sống tập thể.
Lần đầu tiên được ăn chung với các bạn, tập làm quen với những sinh hoạt tập thể như rửa tay chân trước khi ăn, các em được vui chơi với bạn, theo nhóm, đọc sách; xem ti vi trong khoảng 30 phút sau khi ăn rồi ngủ trưa. Bữa ăn trưa của SEQAP tài trợ từ 7.000 đồng/suất giờ đã nâng lên 15.000 đồng/suất đảm bảo chất dinh dưỡng như thịt cá, trứng, rau, canh. Nhìn chung, HS rất phấn khởi với chương trình này.
Với nguồn quỹ hỗ trợ các hoạt động giáo dục của Chương trình SEQAP đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhà trường kịp thời khen thưởng các em HS có thành tích đi học đều, có thành tích học tập tốt. Mua đồ dùng, sách vở, quần áo hỗ trợ các em HS khuyết tật, các em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Những việc làm đó đã mang lại ý nghĩa hết sức to lớn đó là sự ghi nhận là nguồn động viên khích lệ các em tích cực học tập và tu dưỡng, rèn luyện bản thân. Nguồn quỹ còn giúp cho nhà trường mua sắm bổ sung các trang thiết bị phục vụ cho dạy và học thêm có hiệu quả.
Trang bị những nội dung giáo dục thiết thực
SEQAP tập trung đầu tư nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện thông qua việc thực hiện lồng ghép các nội dung hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp vào các môn Âm nhạc, Mỹ thuật, Thủ công, Kỹ thuật. Đặc biệt tổ chức các hoạt động ngoại khóa như tìm hiểu về an toàn giao thông, vệ sinh môi trường…
Ban Giám hiệu nhà trường hình thành các câu lạc bộ phù hợp với điều kiện thực tế của trường. Đây là điểm mới đã tạo không khí gần gũi, thân quen thu hút HS ra lớp. Với 30 tiết học/tuần, giáo viên có thêm nhiều thời gian để củng cố và ôn tập kiến thức kỹ năng hai môn Tiếng Việt và Toán cho HS.
Các em HS được nhà trường hướng dẫn đã chủ động, tích cực tham gia trong việc trang trí và xây dựng các công cụ trong lớp học. Đầu năm học, dưới sự trợ giúp của giáo viên các em bắt tay vào thực thi các ý tưởng trang trí lớp học của mình. Từ khâu xây dựng ý tưởng, phân công nhiệm vụ, sưu tầm vật liệu cho đến khâu triển khai các hoạt động trang trí lớp đều do các em chủ động thực hiện, giáo viên chủ nhiệm giữ vai trò hướng dẫn, giúp đỡ và chỉnh sửa khi thật cần thiết. Vì thế mà mỗi HS đều rất hứng thú, tự tin khi tham gia, bộc lộ nhiều ý tưởng hay và khả năng sáng tạo.
Các lớp học trong trường hiện nay đã xanh, sạch, đẹp và thân thiện hơn so với các lớp học trước kia. Do HS được tự chủ, quyết định trong trang trí, xây dựng các công cụ lớp học nên các em rất có trách nhiệm chăm lo, giữ gìn bảo quản và sử dụng sản phẩm một cách hiệu quả.
Thầy Lợi nhận định: Trước đây, giáo viên thường truyền tải kiến thức theo phương pháp thụ động. Nhưng sau khi tham gia SEQAP giáo viên đã có thêm thời gian giảng dạy; tích cực sáng tạo, đổi mới phương pháp dạy học bằng việc tổ chức hoạt động học tập cho HS, tham gia hoạt động HS sẽ tư duy, tìm hiểu, đưa ra câu hỏi và tìm lời giải đáp, từ đó rút ra kết luận.
Ngoài phương pháp dạy học thuyết trình, diễn giải kiến thức, khi gặp câu hỏi, thắc mắc của HS, giáo viên tự đóng vai nhân vật, quan sát, điều tra, giải quyết vấn đề một cách thuyết phục nhất. Từ đó giúp HS thuộc bài nhanh hơn, hiểu đúng bản chất của vấn đề, không còn học vẹt bài học như trước.
Từ nội dung tài liệu các mô đun do SEQAP cung cấp, giáo viên được tập huấn bồi dưỡng nhiều vấn đề thiết thực liên quan đến tổ chức dạy học cả ngày như hệ thống bài tập củng cố kiến thức kỹ năng môn Toán, Tiếng Việt, đổi mới phương pháp dạy học… Khi giáo viên áp dụng những nội dung được bồi dưỡng trước đó vào bài giảng trên lớp, thông qua các phương pháp dạy học tích cực HS được chủ động tiếp thu kiến thức. Các em đã mạnh dạn trình bày ý kiến, trao đổi với các bạn mỗi khi gặp khó khăn cần chia sẻ, nhờ đó mà các em được trang bị rất nhiều kỹ năng sống.
Theo Giáo dục và Thời đại