Jeff Stangl, giáo sư Đại học Massey, người đã nghiên cứu cách người trẻ New Zealand tìm hiểu về tài chính cá nhân, cho rằng không quan trọng bạn bao nhiêu tuổi, tiền là một phần cốt lõi trong cuộc sống của bạn.
Kiến thức về tài chính không phải là môn học bắt buộc ở New Zealand mặc dù nhiều người tin rằng nó nên được giảng dạy chính thức. Việc có được kỹ năng tài chính được coi là kết quả học tập giá trị như một phần của chương trình học với các mục tiêu đặt ra qua 8 bước trải xuyên suốt các cấp học từ lớp 1 đến lớp 13.
Theo ông Stangl, trẻ trước 5 hoặc 6 tuổi nên biết những đồng tiền xu và giấy trông như thế nào. Trước khi lên cấp 2, trẻ nên được biết thế nào là nợ và học cách tiết kiệm tiền.
Theo kinh nghiệm bản thân, ông Stangl thấy nên tích hợp chủ đề kinh tế hoặc tài chính vào mọi vấn đề thay vì coi đó là một chủ đề độc lập. “Đây là một phần trong cuộc sống, không phải là thứ bạn có thể tìm hiểu độc lập”, ông lý giải.
Trước 12 tuổi nhiều trẻ đã hình thành quan điểm về tiền bạc
Vicky Crawford, trưởng khoa ngành khoa học kinh doanh và xã hội của trường học cơ sở Albany ở bờ biển Bắc Auckland, đã thực hiện khóa đào tạo các nhà chuyên môn về kỹ năng tài chính. Theo bà, đội ngũ giáo viên cần được đào tạo bài bản trước khi có thể sẵn sàng giảng dạy.
Bây giờ, khi bà dạy học sinh về người tị nạn, họ sẽ nói về những gì mọi người trên khắp thế giới có thể làm và những thách thức đi cùng. Một trong những thách thức bà đưa ra cho học sinh là tìm ra tổng chi phí cho bài quảng cáo 6 đô/tuần trong 38 tháng. Việc đưa ra được con số mất nhiều thời gian và đó cũng là một phần trong việc dạy về vấn đề mọi thứ đều có giá và rất khó để người tiêu dùng tính toán được đầy đủ chi phí. Khi học sinh tính được giá trị của chiếc iPhone mới là 1.200 đô, bà sẽ đưa cho họ nhiệm vụ là tìm ra một chiếc rẻ hơn.
Trường Albany tổ chức một buổi triển lãm thương mại, nơi trẻ 9 tuổi sẽ trưng bày theo chủ đề về KiwiSaver hoặc cổ phần hay tài sản và thu hút cha mẹ đến gian hàng của chúng bằng cách marketing và sau đó giải thích về ý tưởng trưng bày, những rủi ro trong vấn đề đó. Trẻ rất háo hức và say mê học về tiền bạc. Theo bà Crawford, thành công ban đầu là chìa khóa để làm cho trẻ cảm thấy tự tin và có thể đưa ra những quyết định liên quan đến tiền.
Trước tuổi 12, nhiều trẻ đã hình thành quan điểm về bản thân và tiền bạc. Trẻ không giỏi về quản lý tiền vì chúng tiêu hết số tiền chúng có xuất phát từ một quan điểm có thể trẻ học từ cha mẹ. Việc được dạy ở trường sẽ giúp trẻ quản lý tiền hiệu quả. Bà Crawford chia sẻ: “Chúng tôi nói với trẻ rằng trẻ có thể biết nhiều hơn cha mẹ mình và nhiều người khác ngoài kia không biết điều này”. Bà hy vọng trẻ cũng sẽ mang bài học về tiền bạc về nhà và nói chuyện với cha mẹ,
Tiến sĩ Jeffrey Stangl (ảnh trái) đã nghiên cứu về cách người dân New Zealand học về tài chính cá nhân
Angela Clemens, nhà quản lý giáo dục tại Ủy ban Năng lực tài chính, cho biết cha mẹ đóng vai trò như nhà trường. Điều quan trọng trong việc dạy trẻ về tiền bạc là nói về vấn đề này thường xuyên và làm cho nó trở thành một phần trong cuộc sống hàng ngày. Đơn giản là khi bạn nói về cách bạn chọn đồ khi đi mua sắm ở siêu thị và tại sao bạn chọn Weet-Bix thay vì Coco Pops.
Tuy nhiên, đối với một số người tiền bạc là chủ đề nhạy cảm. Bà Clemens cho biết: “Một số phụ huynh không cảm thấy thoải mái khi nói chuyện với trẻ về việc họ kiếm được bao nhiêu và bao nhiêu là đủ. Nhưng ý tưởng là cụ thể hóa vấn đề vào từng gia đình. Hãy nói với trẻ về mức giá phù hợp với gia đình mình và nó sẽ khác nhau với từng gia đình”.
Bà Clemens gợi ý đưa ý tưởng về đưa thu nhập vào một chiếc bánh nướng hoặc pizza và coi chiếc bánh là thu nhập một lần, nói về cách bạn sẽ chi tiêu nó như thế nào. Hãy cho trẻ thấy cách đổi một nửa chiếc bánh để mua cái mái nhà. Điều này có thể liên quan đến việc cho trẻ một ngân sách hoạt động trong kỳ nghỉ.
Bà Clemens cũng nói thêm về tầm quan trọng khi cho trẻ tham gia vào việc ra quyết định: “Hãy để tất cả thành viên trong gia đình tự tìm hiểu các hoạt động họ muốn làm và sau đó cùng bỏ phiếu để quyết định cách chi số tiền trong ngân sách như thế nào”.
Theo VNexpress