Đào tạo 3 cách lôi cuốn người nghe khi thuyết trình

3 cách lôi cuốn người nghe khi thuyết trình

28
Bạn cần thuyết phục các nhà đầu tư đổ tiền vào dự án của mình, tạo thêm mối quan hệ, tìm kiếm khách hàng, lôi kéo nhân tài, hay thậm chí là tìm sự ủng hộ của nhóm cho ý tưởng, ý kiến, kế hoạch hành động của mình? Tất cả đều phụ thuộc rất nhiều vào khả năng thuyết phục của chính bạn.


Ảnh minh họa

Soạn sẵn một “sườn” bài thuyết trình là việc luôn cần thiết. Nội dung trình bày hay, có nhiều điểm nhấn độc đáo dĩ nhiên là rất quan trọng. Nhưng vẫn sẽ chưa đủ nếu bạn muốn thuyết phục được đối tác, để buổi thuyết trình đạt được hiệu quả. Hãy sử dụng những chiến thuật sau đây để “lôi cuốn” người nghe với mục đích cuối cùng là ký được hợp đồng hay thỏa thuận hợp tác.

1. Đừng quá nhấn mạnh bản thân

Thông thường, mọi người luôn trình bày những thứ mà họ muốn, không hoặc ít chú trọng vào lợi ích mà thứ đó mang đến cho một tổ chức hoặc một cá nhân nào đó. Nếu bạn là một công ty nhỏ muốn làm ăn với một thương hiệu lớn thì bài trình bày của bạn nên tập trung vào việc chứng minh được lợi ích mà bạn có thể mang đến cho thương hiệu đó, cho họ thấy những gì bạn có thể làm và mang đến cho họ mà không một ai khác có thể làm tương tự.

Các hợp đồng, mối quan hệ chỉ có thể được “kích hoạt” khi cả đôi bên đều hưởng lợi từ cam kết, cho nên bạn phải chắc chắn rằng các yếu tố trình bày của bạn và thông tin bạn cung cấp phản ánh được những gì bạn có thể làm cho họ thay vì những gì họ có thể mang lại cho bạn.

2. Thể hiện một cách hào hứng

Điềm đạm, bình tĩnh là một cách tốt để trình bày một vấn đề gì đó. Nhưng nó chưa hẳn là cách để có thể đạt được một hợp đồng kinh tế. Nói rõ, đứng thẳng, ngồi thẳng là những điểm cơ bản của một nhà thuyết trình giỏi, nhưng sẽ tuyệt vời hơn nếu kèm thêm nụ cười và ngôn ngữ cơ thể. Bạn cũng cần “kích thích” để mọi người trở nên hào hứng, phấn khích giống như bạn.

Cà phê để tỉnh táo trước khi thuyết trình là một ý kiến hay, nhưng lưu ý rằng hàm lượng caffeine cao sẽ dẫn đến việc nói quá nhanh, tâm trạng bồn chồn.

3. Tự tin

Thử tưởng tượng bạn đang trình bày, còn những người khác trong phòng lại lo nhắn tin, ngó nghiêng ngoài cửa sổ, liên tục hỏi như điều tra với bạn. Đừng để những điều đó khiến bạn nản chí hay mất tinh thần. Hơn lúc nào hết, bạn phải giữ vững nhiệt huyết, tỉnh táo để kéo lại sự chú ý của mọi người.

Cho dù bạn có muốn kết thúc cuộc đàm phán sớm đi nữa thì cũng không được tỏ ra lo lắng hay gấp gáp khi hành động. Một cách khéo léo, hãy để cho người nghe biết rằng họ không phải là khách hàng tiềm năng duy nhất của bạn. Trong đàm phán, thái độ của bạn chính là yếu tố tạo nên, hoặc phá vỡ cơ hội.

Theo Inc./DNSGCT