Trào lưu cho con học bơi đang nở rộ

Hè đến, nhiều vụ đuối nước thương tâm xảy ra khiến nhiều phụ huynh lo lắng. Vì thế, thay vì đưa con vào nhiều lò ôn tập tiếng Anh, học thêm Văn, Toán, phụ huynh đổ xô cho con đi học bơi trong dịp hè.


Ảnh minh họa

Cung – cầu dạy học bơi tăng

Theo thống kê của Trung tâm dạy bơi ở Hà Nội cho biết, vào dịp hè, phụ huynh đăng ký cho con đi học bơi đông gấp 3 – 4 lần bình thường. Vì thế, bể bơi liên tục phải chia nhiều ca trong ngày, chủ yếu là đầu giờ sáng và cuối giờ chiều mới đủ đáp ứng nhu cầu. Danh sách đăng ký học bơi từ đầu mùa hè đã kín lịch.

Nắm bắt được nhu cầu của phụ huynh, nhiều trường tiểu học cũng tổ chức chiêu sinh các khóa học bơi cho học sinh dịp hè, các con đến trường sẽ có xe đưa đón. Các CLB còn cam kết nếu học sinh nào sau khóa học không biết bơi, CLB sẽ trả lại tiền học phí cho phụ huynh.

Chị Thu Trang, có con học lớp 1 Trường Tiểu học Đại Từ (Hà Nội) chia sẻ: “Vừa qua, nghe nhiều vụ đuối nước thương tâm nên chị đăng ký học bơi cho con trong dịp hè này. Cháu mới học xong lớp 1 sẽ học bơi lâu hơn nhưng chị vẫn muốn cho con theo học, chị thuê riêng thầy giáo để dạy cho con. Học bơi vừa giúp con rèn luyện sức khỏe, vừa có lợi cho tinh thần; hơn nữa trong trường hợp cần thiết, ít nhất con cũng bảo vệ được bản thân, đây là kỹ năng sinh tồn cơ bản, đứa trẻ nào cũng nên học”.

Theo chị Trang, mỗi tuần, cậu bé đến bể bơi 3 buổi vào các buổi chiều, từ 16 đến 17 giờ 30. Chi phí cho khóa học kéo dài 10 buổi/khóa là 2,5 triệu đồng.

Cũng mang một nỗi lo như chị Trang, chị Lê Thị Huyền, có con học lớp 6 Trường THCS Hoàng Mai (Hà Nội) cho biết: “Xem tivi thấy mấy cháu nhỏ tắm sông suối đuối nước lo quá. Con trai chị năm nay học lớp 7, chị vội vàng cho con đi học, dừng lại các khóa học khác. Khóa học chỉ 12 giờ mà học phí gần 3 triệu đồng nhưng chị rất yên tâm vì huấn luyện viên rất chuyên nghiệp, dạy giỏi. Mới sáu bữa mà cháu đã gần biết bơi rồi, vì thế tôi cũng yên tâm với chi phí bỏ ra khi cho con theo học”.

Lựa chọn khóa học phù hợp

Theo con số thống kê mới nhất của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, tính trung bình mỗi ngày ở nước ta có 9 trẻ em và vị thành niên chết đuối và cả năm là hơn 3.000 sinh mạng bị “hà bá” “thủy thần” cướp đi. Số người chết đuối ở Việt Nam rất cao, đứng thứ 3 chỉ sau tai nạn giao thông và tai nạn lao động. Một con số đáng giật mình và thật đau xót. Đuối nước ở trẻ em và vị thành niên ở Việt Nam có tỷ lệ cao nhất so với các nước trong khu vực và cao gấp 10 lần các nước phát triển.

Vì thế với các bậc phụ huynh, việc cho con đi học bơi là công việc thiết yếu giúp trẻ có kỹ năng sinh tồn. Tuy nhiên, trước nhan nhản những quảng cáo dạy bơi hè, các bậc phụ huynh cần bình tĩnh lựa chọn, tìm hiểu một cách kỹ càng về người dạy cũng như lớp học.

Thầy Minh Quân (Huấn luyện viên bơi lội tại bể bơi Mandarin Garden) khuyên: “Việc học bơi cần nhiều yếu tố, không chỉ có gia đình kiểm tra sức khỏe cho các cháu là đủ mà còn chú ý việc chọn địa điểm học sao cho hợp lý. Nếu mức giá quá rẻ thì cần tìm hiểu cụ thể thục hư xem chất lượng thực sự hay không? Vì hiện nay, nhiều người tham gia dạy bơi. Thậm chí người làm công tác cứu hộ cũng đi dạy bơi”.

Theo thầy Quân, nếu học theo lớp tập thể đông thì khó có thời gian chỉnh sửa các động tác. Còn học theo lớp kèm riêng 2 – 3 người có thể chỉnh sửa và biết học viên chưa thành thạo động tác nào.

Thầy giáo Nguyễn Văn Mạnh (Giáo viên thể dục và dạy bơi tại bể bơi Trường Hà Nội – Amsterdam) cho rằng: “Phụ huynh cần tìm hiểu xem bể bơi có sạch không, thời gian phù hợp với con em, chất lượng giảng dạy của thầy giáo. Để đảm bảo dạy bơi tốt thì giáo viên phải là người tốt nghiệp Đại học Thể dục – Thể thao khoa bơi lội. Hiện nay có quá nhiều câu lạc bộ, trung tâm dạy bơi quảng cáo rầm rộ trên mạng Internet nhưng không đảm bảo chất lượng vì một số người biết bơi tự dạy ở các bể nên chất lượng không đảm bảo”.

“Để hạn chế tai nạn đuối nước cho trẻ em rất cần trách nhiệm và sự chung tay của toàn xã hội; để chúng ta hi vọng một mùa hè và mùa bão lũ sắp tới không phải chứng kiến những vụ tai nạn sông nước thương tâm đối với trẻ em” – Thầy Nguyễn Văn Mạnh bày tỏ.

Theo Giáo dục và Thời đại