Đôi khi bạn hào hứng mua một chiếc áo mới đắt tiền nhưng lại cảm thấy hối hận và muốn trả lại ngay trên đường về nhà. Công việc cũng vậy. Nhiều khi bạn cảm thấy hối hận vì quyết định nhận việc ngay từ ngày đầu đi làm.
Theo Patrick King, một chuyên gia truyền thông và tác giả của nhiều cuốn sách về kinh doanh, việc muốn bỏ việc ngay trong ngày đầu đi làm không phải hiếm gặp.
“Có 3 lý do lớn nhất”, ông nói, “đầu tiên, công việc mới không như mong đợi. Thứ hai là không thể hòa hợp với môi trường làm việc, văn hóa của công ty mới. Và thứ ba là bản chất công việc bị truyền đạt sai trong quá trình phỏng vấn”.
Nếu bạn thấy chính mình trong một trong các trường hợp trên và thực sự muốn từ bỏ công việc mới, dưới đây là một số lời khuyên dành cho bạn.
1. Đừng hành động thiếu suy nghĩ
Hãy dành một vài ngày (hoặc vài tuần) trước khi biết rõ mình thực sự muốn gì. Chắc chắn bạn rất nóng lòng muốn bỏ việc ngay sau khi nhận được cuộc gọi mời làm việc từ công ty mơ ước nhưng đừng làm vậy.
Dù đang trong tình huống nào (trừ phi nhà tuyển dụng mới làm điều gì đó trái luật hoặc phi hết sức phi lý), hãy dành một khoảng thời gian để cân nhắc tất cả các lựa chọn và tính toán sự lợi, hại của việc ở lại.
“Bước đầu tiên là xác định xem bạn đang hành động một cách cảm tính hay lý trí”, King chia sẻ. “Thường thì ranh giới của hai điều này rất mong manh”.
Bước thứ hai là cân nhắc xem tình hình hiện tại liệu có thể hoặc sẽ cải thiện hay không, ông nói. Nếu câu trả lời là “không” thì hãy làm theo 6 bước tiếp theo bên dưới.
2. Đừng hành động kiểu “qua cầu rút ván”
Khi một công ty thuê bạn, điều đó đồng nghĩa với sự đầu tư lớn về thời gian và tiền bạc. Vì vậy, chắc chắn họ sẽ thất vọng nếu bạn bỏ việc chỉ sau vài ngày. Đừng làm mọi thứ trở nên tệ hơn khi bỏ việc một cách thiếu chuyên nghiệp.
Bạn không thể biết rằng sau này có gặp lại những người này hay có muốn quay lại công ty này hay không, vì vậy đừng hành động kiểu qua cầu rút ván, tự chặn hết đường lui của mình.
Có thể bạn cho rằng mình không nợ công ty mới này điều gì cả (đặc biệt khi họ truyền tải sai bản chất công việc này trong quá trình tuyển dụng, hoặc đối xử tệ với bạn), nhưng bạn chẳng mất gì khi luôn là người rộng lượng.
3. Gặp trực tiếp để thông báo nghỉ việc
“Hãy nói chuyện trực tiếp với nhà tuyển dụng khi bạn thông báo nghỉ việc”, King nói. “Thông tin qua email thường bị hiểu sai hoặc bị bỏ qua, vì vậy hãy làm việc trực tiếp để tránh bị hiểu lầm”. Chẳng gì có thể giúp bạn tránh được ấn tượng tiêu cực của người khác về mình, nhưng ít nhất hãy cho họ thấy đúng những gì bạn muốn truyền tải”.
4. Thông báo nghỉ việc trước ít nhất 2 tuần
Có thể bạn thấy không cần thiết phải trung thành với công ty mới và thấy kì quặc khi tiếp tục ở lại sau quyết định nghỉ việc, nhưng đừng “qua cầu rút ván” mà hãy cho công ty thời gian để tìm người thay thế.
Họ có thể yêu cầu bạn nghỉ việc ngay (như vậy càng tốt) nhưng bạn nên đề nghị tiếp tục làm việc ít nhất trong 10 ngày.
5. Giải thích lý do nghỉ việc, nhưng chỉ nói đủ những gì cần nói
Đừng đổ lỗi cho ai hay điều gì cả. Thay vào đó, hãy cho họ biết bạn cảm thấy thế nào và tại sao lại quyết định như vậy. Ví dụ, thay vì nói “Anh đã nói dối khi mô tả công việc này”, hãy nói “Tôi kỳ vọng công việc của mình là A, B và C nhưng thực tế nó lại là X, Y, Z, điều này khiến tôi không thoải mái…”.
“Hãy cố gắng duy trì sự lý trí và khách quan”, King khuyên.
6. Đề nghị giúp tìm người thay thế
Nhà tuyển dụng vẫn có thể gọi ngay một ứng viên tốt khác cho vị trí bạn bỏ lại, nhưng nếu không, hãy cho họ thấy rằng bạn sẵn sàng giúp tìm người thay thế.
7. Đừng bỏ lại rác cho người khác dọn
Ảnh: Wix.
Sau khi giúp tìm người thay thế, hãy đề nghị giúp sắp xếp và bàn giao công việc.
Theo Zing