Đó là đánh giá được đưa ra tại Hội thảo “Tuyển dụng, bồi dưỡng giáo viên tiếng Anh tiểu học đáp ứng yêu cầu giảng dạy môn tiếng Anh hiện nay và hướng tới việc thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới”, do Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục (Bộ GD&ĐT) phối hợp với Đề án Ngoại ngữ 2020 vừa tổ chức.
Mỗi giáo viên dạy từ 5 đến 10 lớp
Bộ GD&ĐT đã cho triển khai Đề án Ngoại ngữ 2020 vơi mục tiêu: Từ nay đến 2018, thời điểm triển khai chương trình GDPT mới, giáo viên tiếng Anh phải đạt chuẩn năng lực ngoại ngữ theo khung năng lực (bậc 3/6 hoặc 4/6 với tiểu học, 4/6 đối với THCS, và 5/6 đối với THPT) để có thể triển khai đại trà Chương trình tiếng Anh 10 năm, bắt đầu từ lớp 3.
Cũng như, tiến tới bắt đầu từ năm học 2016 – 2017, 100% học sinh lớp 3, 4, 5 trên toàn quốc được học tiếng Anh, tiến tới học đủ 4 tiết/ tuần, đáp ứng được yêu cầu đổi mới chương trình, sách giáo khoa. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, số lượng giáo viên đạt chuẩn vẫn còn hạn chế, thiếu cả về số lượng và chất lượng.
Theo báo cáo của Vụ Giáo dục Tiểu học: Hiện nay cả nước có 15.883 trường tiểu học với 7.784.685 học sinh và 151.329 lớp, trong đó lớp 3, 4, 5 là 89.465 lớp. Với số lượng 21.430 giáo viên như hiện nay, có tỷ lệ khoảng 0,1 đến 0,2% giáo viên/lớp. Điều này có nghĩa là mỗi giáo viên phải dạy từ 5 đến 10 lớp, tương đương 20 đến 40 tiết/ tuần. Trong khi đó qui định mỗi giáo viên tiểu học dạy 23 tiết, còn với giáo viên dạy ngoại ngữ khi thực hiện chương trình tiếng Anh bậc tiểu học những năm đầu chỉ dạy 18 tiết/ tuần.
Chính vì không có đủ giáo viên nên phần lớn học sinh lớp 3, 4, 5 hiện nay học chương trình tiếng Anh tiểu học nhưng chỉ với thời lượng 2 tiết/ tuần (chiếm 48,48% số lượng học sinh lớp 3, 4, 5 học tiếng Anh).
Nhiều nhà nghiên cứu về chính sách ngôn ngữ khi tìm hiểu về sự thất bại và thành công của nhiều chương trình ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh bậc tiểu học ở khu vực châu Á và châu Á Thái Bình Dương đã đưa ra tổng kết về nguyên nhân dẫn đến việc triển khai kém hiệu quả chương trình giảng dạy ngoại ngữ bậc tiểu học ở khu vực này, bao gồm việc thời lượng dành cho hoạt động dạy và học không thỏa đáng. Các nhà nghiên cứu cũng đã chứng minh, 1 năm học 4 tiết/ tuần sẽ hiệu quả hơn 2 năm học, mỗi năm 2 tiết/ tuần.
Để đủ số lượng giáo viên cho việc thực hiện dạy 4 tiết/ tuần vào năm học 2018 theo định hướng của chương trình GDPT mới và theo lộ trình của Đề án Ngoại ngữ 2020, tiểu học sẽ cần thêm nhiều giáo viên nữa, đặc biệt ở các vùng khó.
Vụ Giáo dục Tiểu học cũng đưa ra ví dụ, hiện nay ở tỉnh Cao Bằng có 275 trường nhưng chỉ có 86 giáo viên tiếng Anh. Như vậy, địa phương này chỉ có chưa tới 30% số lượng giáo vien cần để đáp ứng việc học ngoại ngữ 4 tiết/ tuần.
Cùng với đó, thống kê của Bộ GD&ĐT cũng đưa ra thực tế, đội ngũ giáo viên tiếng Anh phổ thông đạt chuẩn về năng lực ngoại ngữ tại thời điểm hiện nay còn thấp so với mục tiêu đề ra. Với cấp tiểu học, trong số giáo viên đang có, tỷ lệ đạt chuẩn dù đã tăng lên hàng năm nhưng vẫn còn thấp (48,94% vào năm 2015).
Vì sao vẫn còn hạn chế?
Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển: Trong những năm qua, Bộ GD&ĐT đã triển khai nhiều hoạt động liên quan đến việc tổ chức dạy học môn tiếng Anh phổ thông nói chung và môn tiếng Anh tiểu học nói riêng trong phạm vi Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020. Có thể kể đến như thí điểm chương trình tiếng Anh tiểu học, ban hành các văn bản pháp quy hướng dẫn tuyển dụng, sử dụng và bồi dưỡng giáo viên tiếng Anh, triển khai các lớp tập huấn, bồi dưỡng giáo viên tiếng Anh nhằm chuẩn hóa chất lượng đội ngũ… Tuy nhiên, việc triển khai dạy học môn tiếng Anh phổ thông nói chung và môn tiếng Anh tiểu học nói riêng đang còn nhiều khó khăn.
Về những hạn chế này, đại đa số giáo viên cho rằng, hiệu quả của các lớp bồi dưỡng về phương pháp học là chưa cao vì không phù hợp với điều kiện giảng dạy của họ. Một số khác có tâm lý ngại thay đổi, và sau khi bồi dưỡng đạt chuẩn xong họ lại quay trở về theo lối dạy cũ.
Cũng có ý kiến cho rằng, bồi dưỡng về năng lực ngôn ngữ ở một số đơn vị quá cao so với nhu cầu cần sử dụng. Bên cạnh đó, việc bồi dưỡng thường xuyên và đặc biệt là tự bồi dưỡng còn nhiều hạn chế có thể dẫn đến tình trạng kéo chất lượng đội ngũ gần về lại với điểm xuất phát sau một thời gian.
Ban Quản lý Đề án Ngoại ngữ 2020 khẳng định: Nếu giáo viên không tự trang bị cho mình kỹ năng tự bồi dưỡng nâng cao năng lực, thì sự nỗ lực đạt chuẩn của Đề án Ngoại ngữ 2020 ở các địa phương sẽ chỉ trong một giai đoạn tức thời chứ không bền vững. Công tác bồi dưỡng giáo viên tiếng Anh phổ thông trong giai đoạn tới cần phải được quan tâm cấp thiết hơn, cần nhiều giải pháp đồng bộ và sự nỗ lực cao của từng cá nhân giáo viên và các cấp quản lý.
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cũng cho rằng, để thực hiện những mục tiêu của Đề án Ngoại ngữ 2020 không hề đơn giản, các Sở phải tạo điều kiện cho giáo viên đi học bồi dưỡng. Tạo điều kiện hết mức rồi mà không đạt chuẩn, thì chứng tỏ là giáo viên không đủ tiêu chuẩn, chứ đừng có nói là chưa được tạo điều kiện hết mức.
Theo Báo Đại đoàn kết