Ngã ba email marketing và bài toán cho doanh nghiệp

1. Sale letter
“Sale” ở đây có nghĩa là “hard sell”, bán hàng trực tiếp, “thẳng ruột ngựa” chứ không phải “ỡm ờ”, thuyết phục từ từ như “soft sell”. Đây là hình thức “kinh điển” của email marketing. Bạn sẽ rất dễ dàng nhận ra nào là bảng giá, “giảm 50%”, “ưu đãi” hay “quà tặng” trong nội dung email.
Môi trường kinh doanh trực tuyến tại VN có khá nhiều vấn đề chưa được giải quyết, từ “dễ dàng” như bảo mật, thanh toán trực tuyến cho đến “nan giải” như thói quen mua sắm. Vì vậy, để có thể bán hàng hàng qua email, bạn cần có nhiều yếu tố: khách hàng là giới trẻ, sản phẩm – dịch vụ mới lạ, mức giá cực kỳ hấp dẫn (như trào lưu groupon) hay chí ít cũng phải có một thương hiệu tương đối trên mạng (cỡ như vinabook).
Tuy vậy, email lại là công cụ cực kỳ thích hợp để bán những gì…miễn phí! Khách hàng hoàn toàn có thể “thanh toán” bằng cách cung cấp thêm thông tin cá nhân, đưa ra nhận xét hay giới thiệu sản phẩm – dịch vụ của bạn cho bạn bè,… những thứ quý giá không kém “tiền tươi thóc thật” phải không?
2. e-Newsletter
Nếu bạn từng đăng ký vào các website việc làm thì chắc chắn định kỳ hàng tuần sẽ nhận được một email, gọi là bản tin điện tử. Nội dung của những email này thường là một danh sách, có thể là bài viết, sự kiện hay sản phẩm mới và nhất là luôn luôn có liên kết với website của công ty.
Nếu công ty bạn chuyên cung cấp những thông tin “đẻ” ra tiền liên tục, kiểu như chứng khoán, bất động sản, tư vấn tài chính,… thì e-newsletter là lựa chọn hàng đầu. Một số lĩnh vực khác cũng liên quan đến thông tin như việc làm, đào tạo,.. do thông tin không quá quan trọng nên bản tin điện tử chỉ được xem là công cụ để duy trì mối liên kết giữa công ty và khách hàng.
Có một thực tế là hiện nay hầu như website nào cũng mời gọi khách hàng đăng ký nhận bản tin nhưng lại chưa đầu tư đúng mức cho nội dung. Nếu tôi không phải là một email marketer thì có lẽ tôi chỉ click vào 1/10 số email mà mình nhận được. Như vậy sợi dây liên kết công ty với khách hàng chỉ còn là tên người gửi và tiêu đề của email. Một sự mong manh đáng sợ!

3. Brand stories
Đây là hình thức “tiến hoá” của e-newsletter. Điểm khác biệt lớn nhất là nội dung. Email mà bạn nhận được là một bài viết hoàn chỉnh, có thể là câu chuyện, chỉ dẫn hay kinh nghiệm thực tế nào đó. Tóm lại là một thứ rất đáng để đọc.
Đối tượng thích hợp nhất để triển khai email marketing theo hướng này là những người hoặc những thương hiệu nổi tiếng. Rõ ràng, nhận bản tin về Đàm Vĩnh Hưng hay xem các chuyên gia của Dell hướng dẫn sử dụng laptop là một viễn cảnh cực kỳ hấp dẫn. Tuy nhiên, việc viết lách có vẻ như là trở ngại khá lớn. Bởi nội dung cho chiến dịch email marketing kiểu này phải là sự kết hợp của giá trị cốt lõi của công ty và lợi ích của khách hàng đồng thời phải duy trì trong khoảng thời gian khá dài.
Lợi ích lớn của hình thức này hiển nhiên là xây dựng thương hiệu bền vững. Những email kiểu này rất dễ lan truyền đồng thời hoàn toàn có thể đăng tải trên nhiều kênh thông tin khác. Ở VN, tôi chỉ thấy duy nhất chiến dịch email của một diễn giả là làm khá tốt điều này.

Theo Saga