Trong báo cáo “Urban world: The global consumers to watch” từ Viện nghiên cứu McKinsey Global Institute điều tra về tiêu dùng tại thành thị, quy mô toàn thế giới, có 9 nhóm người tiêu dùng được chỉ ra, kỳ vọng sẽ đóng góp tới 75% sự tăng trưởng tiêu dùng ở các thành phố từ nay đến 2030.
4 nhóm đứng đầu đóng góp tổng cộng gần 60% bao gồm nhóm người tiêu dùng là người già và người nghỉ hưu ở các nền kinh tế phát triển, người trong độ tuổi lao động ở Trung Quốc, người trong độ tuổi lao động ở Bắc Mỹ và những người trên 60 tuổi ở Trung Quốc. 5 nhóm còn lại bao gồm nhóm những người tiêu dùng trong độ tuổi lao động tại các khu vực Châu Mỹ Latinh, Nam Á, Đông Nam Á, Tây Âu và Đông Bắc Á.
Trong các nhóm này, phải kể đến nhận định về sự đóng góp của tầng lớp người tiêu dùng trên 60 tuổi. Tiêu dùng của nhóm người tiêu dùng này tại các nền kinh tế phát triển sẽ tạo ra 19% sự tăng trưởng tiêu dùng ở các thành phố. Ở Trung Quốc, lớp người tiêu dùng này sẽ đóng góp 10% sự tăng trưởng tiêu dùng ở các thành phố. Như vậy, riêng ở 2 khu vực kinh tế năng động trên, người tiêu dùng ở lứa tuổi về hưu được McKinsey đánh giá sẽ đóng góp tới gần 30% tăng trưởng.
Các nền kinh tế phát triển: Gừng càng già càng cay
Nhóm những người tiêu dùng ở lứa tuổi về hưu ở các nước phát triển được dự đoán sẽ tăng 35% về dân số và tăng 30% về tổng chi tiêu.
Theo đó, hơn 220 triệu người trên 60 tuổi nhờ chi tiêu nhiều hơn sẽ tạo ra hơn một nửa sự tăng trưởng tiêu dùng tại thành thị của các nền kinh tế phát triển. Chỉ tính riêng khu vực Tây Âu và Đông Bắc Á (Nhật Bản và Hàn Quốc), tầng lớp này tạo ra tới 60% tăng trưởng.
Tính tổng cộng, sự đóng góp vào tăng trưởng tiêu dùng thành thị là 19%, cao nhất thế giới, hơn cả mức của những người trong độ tuổi lao động tại nước đông dân nhất thế giới là Trung Quốc.
Ở thời điểm hiện tại, những thống kê ở các nước phát triển cũng chỉ ra một thực tế rằng những người tiêu dùng lớn tuổi đang ngày càng chi tiêu nhiều hơn.
Có thể kể đến như trong năm 2011, 2/3 số xe mới bán ra ở Mỹ được mua bởi người mua trên 50 tuổi. Hoặc ở thị trường nhà đất Mỹ, nếu như những năm 2000, tổng chi tiêu để mua nhà của những người trên 55 tuổi chỉ chiếm 1/3 dung lượng thị trường thì đến năm 2011, con số này đã là trên 45%.
McKinsey cũng chỉ rõ lý do những người tiêu dùng này chi tiêu nhiều nhất trong xã hội là do có các khoản chi để chăm lo sức khỏe. Ở các nước phát triển, các khoản chi để chăm sóc sức khỏe thường có có giá trị rất cao. Đây cũng là các khoản mà người tiêu dùng trẻ không thường xuyên phải chi.
Đặc biệt ở Mỹ, ngoài chi cho sức khỏe, những người tiêu dùng ở lứa tuổi về hưu còn chi tiền nhiều cho các dịch vụ như nhà đất, giao thông và giải trí. Những khoản chi này đóng góp cho sự phát triển nền tiêu dùng nước Mỹ thêm 40%.
Trung Quốc: Tác động từ hiện tượng dân số già
Tổng dân số ở độ tuổi trên 60 ở Trung Quốc được dự đoán ở mức trên 350 triệu người, chiếm 25,3% dân số nước này thời điểm đó và tăng hơn 150 triệu người so với hiện tại. Đây là mức rất cao bởi lẽ ngay cả tầng lớp người trong độ tuổi lao động của đất nước đông dân nhất thế giới này dự đoán chỉ tăng thêm 100 triệu người. Trên toàn thế giới, thị trường 350 triệu người này cũng là lớn nhất trong các thị trường của người tiêu dùng ở độ tuổi về hưu.
Đây chính là tác động của hiện tượng dân số già đang được nhắc đến thường xuyên tại Trung Quốc, khiến cho tổng dân số trong độ tuổi về hưu ở Trung Quốc tăng trưởng không kém gì tổng số dân số trẻ. Trong tất cả các nhóm được McKinsey nghiên cứu, đây là nhóm có tỷ lệ tăng trưởng dân số hàng năm cao nhất, tới 12%.
Tiềm năng thể hiện rõ với quy mô thị trường lớn nhất, GDP bình quân đầu người sẽ tăng gấp 3 lần nếu vượt qua được bẫy thu nhập trung bình, chi tiêu hàng năm tăng nhanh nhất, thị trường hàng hóa cho những người trên 60 tuổi của Trung Quốc được dự đoán sẽ thu hút thêm nhiều nhà bán hàng tiêu dùng hơn nữa từ nay đến năm 2030.
McKinsey nhận định, tầng lớp người tiêu dùng này ở Trung Quốc sẽ đóng góp 10% vào sự tăng trưởng tiêu dùng thành thị, xếp thứ 4 trong tất cả nhóm được điều tra.
Theo thống kê, có tới 30% nền kinh tế toàn thế giới được tạo ra chỉ bởi 100 thành phố. Vì thế, tầng lớp người tiêu dùng thành thị luôn là đối tượng đặc biệt mà các nhà bán hàng tiêu dùng quan tâm tới, không chỉ tác nhân tạo ra của cải nhiều nhất mà còn là những người tiêu dùng hàng hóa hàng đầu trong các nhóm dân cư của toàn xã hội.
Theo Trí Thức Trẻ