Theo quy định, sau 5 năm nếu không hoàn thiện đủ các tiêu chuẩn, nhiều giáo viên có thể không còn được đứng trên bục giảng.
Áp lực mà hơn 1,3 triệu giáo viên trên cả nước và hơn 400.000 giáo viên tiểu học hiện nay đang phải đối mặt là họ có thể không được giảng dạy – hay nói cách khác là giáo viên mất việc làm sau vài năm nữa.
Với quy định của liên Bộ về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên đã được ban hành, cho thấy nhiều giáo viên có thể khó giữ được vị trí giảng dạy hiện nay khi chính họ chưa đạt các tiêu chuẩn mới.
Theo quy định, sau 5 năm nếu không hoàn thiện đủ các tiêu chuẩn nhiều giáo viên có thể không còn đứng trên bục giảng.
Mặt khác, muốn tăng lương, họ còn phải thi lên hạng cao hơn với nhiều khóa đào tạo, nhiều cuộc thi, tham gia các phong trào văn hóa, thể thao. Vấn đề là các trường sẽ sắp xếp thời gian cho họ như thế nào để tham gia các hoạt động khác và khi sắp xếp được cho giáo viên liệu có ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học ở các trường?
Việc ban hành tiêu chuẩn để sàng lọc giáo viên là đúng đắn nhằm nâng cao chất lượng dạy và học tốt ở các bậc học. Các chứng chỉ với giáo viên không chỉ là hình thức mà đi vào thực chất, áp dụng vào giảng dạy. Tuy nhiên, ngành Giáo dục và Đào tạo cần căn cứ vào điều kiện thực tế của từng địa phương để có giải pháp hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng giáo viên cho phù hợp bởi nếu không sẽ tạo ra sự chênh lệch trình độ quá lớn giữa khu vực đồng bằng và miền núi.
Theo Eva