Theo ông Albert, hiện Việt Nam có 120 thương hiệu nhượng quyền, cả thương hiệu nội và ngoại, trong khi đó, Thái Lan và Philippines là 1.200; Singapore 900, Campuchia 60, Malaysia 700, Indonesia 550.
“Số lượng các thương hiệu nhượng quyền tại Việt Nam sẽ tiếp tục tăng, đặc biệt là các thương hiệu nội. Bởi doanh nhân Việt Nam rất thông minh. Họ sẽ bắt chước xu hướng chuyển nhượng của thế giới nhanh”, ông Albert chia sẻ với Cafebiz bên lề Triển lãm quốc tế ngành bán lẻ và nhượng quyền 2016.
120 không phải là con số tồi
Nói về con số 120 thương vụ nhượng quyền tại Việt Nam, ông Albert Kong nhận xét: “Tôi không nghĩ 120 là con số tồi, vì nhượng quyền vẫn còn là hình thức mới tại Việt Nam. Tầng lớp trung lưu của Việt Nam ngày càng tăng nên số lượng các thương hiệu cũng tăng lên trong thời gian tới”.
Tuy nhiên, CEO của Asiawide Franchise, nhận định cần có sự đổi mới, hiện đại hóa, thay đổi để sản phẩm của các doanh nghiệp phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng và phát triển thương hiệu. Ông Albert nhận xét, nếu vẫn giữ tư duy cũ, hình thức cũ sẽ rất khó phát triển.
Ông Albert Kong, CEO Asiawide Franchise.
Khó khăn, thách thức trong nhượng quyền ởViệt Nam
“Theo tôi, khó khăn thứ nhất là phải hiểu được thế nào là nhượng quyền, quyền sở hữu trí tuệ ra sao trong nhượng quyền. Sở hữu trí tuệ là luật và cần tuân theo”, doanh nhân người Singapore nói.
CEO này đưa ra ví dụ, nếu bạn không phải cafe Trung Nguyên nhưng lại bán cà phê gắn mác Trung Nguyên, điều này là phạm luật.
Đồng thời, các quy định liên quan đến nhượng quyền cũng cần được hiểu rõ để bảo vệ thương hiệu và tuân theo các điều khoản trong nhượng quyền. Không thể có chuyện, bạn được nhượng quyền, sau đó không tuân thủ các quy định của thương hiệu và làm theo cách hoàn toàn riêng.
Chính phủ Singapore làm gì để khuyến khích nhượng quyền?
Theo ông Albert, chính phủ Singapore hay Đài Loan đã giúp đỡ các doanh nghiệp trong việc nhượng quyền thương hiệu như tạo môi trường cho các doanh nghiệp để khuyến khích họ tham gia vào hoạt động này.
Tại Triển lãm quốc tế về bán lẻ và nhượng quyền thương hiệu 2016 lần này, chính phủ Singapore tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đến đây. Đài Loan cũng vậy.
“Khi tôi đến với triển lãm này, chính phủ cũng hỗ trợ nhiều, trong đó có tiền. Các công ty cũng có thể nộp đơn lên cơ quan ban ngành để xin hỗ trợ”, ông Albert chia sẻ.
Theo lãnh đạo của Asiawide Franchise, Việt Nam cũng có thể tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận môi trường nhượng quyền. “Chính phủ có thể hỏi Phúc Long hay Kinh Đô rằng tại sao họ không đến triển lãm ở Singapore và tài trợ một phần tài chính, 30% chẳng hạn”, doanh nhân Singapore nhận định. Như vậy, các doanh nghiệp sẽ được khuyến khích tiếp cận với nhượng quyền.
Thứ hai, chính phủ có thể hỗ trợ đào tạo về nhượng quyền thông qua các hoạt động của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI hoặc liên hệ trực tiếp với những doanh nhân như ông. Trong sự kiện ngày 8 đến 10/6, ông Albert đã có 2 buổi nói chuyện trước báo giới và người quan tâm về nhượng quyền.
“Hoặc VCCI hay Bộ Thương mại Việt Nam có thể tổ chức cho các doanh nhân quan tâm đến nhượng quyền sang Mỹ và tài trợ một phần kinh phí cho họ. Có thể mức tài trợ là 30 – 40%. Như vậy, sẽ khuyến khích các doanh nhân quan sát và học hỏi được nhiều thứ”, ông Albert nói thêm.
Theo Trí Thức Trẻ