Hành trình gian nan di dời nghĩa địa ra khỏi trường học
Trường Tiểu học Nguyễn Trãi trước đây là những dãy nhà xập xệ. Mùa mưa các em học sinh vừa học vừa hứng nước mưa, còn mùa nắng thầy trò giam mình trong những căn phòng chật chội nóng nực.
Khó khăn chưa dừng lại ở đó, Trường Tiểu học Nguyễn Trãi còn bị bao vây bởi khoảng 200 bộ hài cốt cách phòng học các em chỉ chưa đầy vài mét. Không gian u ám của các khu nhà mả mang lại khiến việc dạy và học của thầy trò nơi đây bị ảnh hưởng rất nhiều.
Khu nhà mả trên hình thành từ những năm 1963. Những hài cốt ở đây đều được chôn cất theo phong tục sống cùng làng, chôn cùng mồ của người Jrai. Nếu trong làng có người chết, người thân và làng xóm sẽ lấy một chiếc quan tài bằng thân gỗ đã đục sẵn, bỏ người đã khuất vào trong thân gỗ này để chôn.
Sau khi chôn và khỏa lấp người chết xuống lòng đất, nếu trong làng có người chết tiếp theo, thì những người sống lại bới đất, mở nắp chiếc quan tài trên dồn xương người chết trước về một phía, rồi đặt người mới chết vào trong quan tài, không quan tâm đến việc xác người chết trước đã phân hủy hay chưa.
Việc cấp thiết được đặt ra là phải di dời khu nhà mả này ra khỏi nhà trường. Chủ trương của địa phương thì có, nhưng không thể triển khai. Nhân dân trong làng không một ai đồng tình, vì chuyện mồ mả là chốn bất khả xâm phạm của người dân tộc Jrai. Đụng đến mồ mả là đụng đến Yang (thần linh), sẽ bị Yang trách phạt, nhẹ thì tai họa ập xuống làng, nặng thì làng phải bỏ xứ mà đi.
Như một tia hi vọng, những người làm công tác vận động tìm đến già Thiệu. Là người có học thức, sau khi được cán bộ giải thích, già Thiệu nhận lời sẽ giúp di dời khu nhà mả khỏi trường. Để thực hiện ý định, già Thiệu mổ một con heo, sắm sẵn hàng chục hũ rượu cần, rồi mời dân trong làng tới tham dự lễ cúng Yang.
Sau nghi thức cúng lễ xong, mọi người đang ăn uống, già Thiệu đứng lên dõng dạc tuyên bố: “Tôi sẽ di dời ngôi nhà mả của gia đình về nghĩa trang xã”, trước sự ngỡ ngàng của hàng trăm người. Nhiều người định bỏ về, già đã cố gắng giải thích: “Để khu vực nhà mả ở trong khuôn viên trường học của con em, tôi không an tâm vì nhà mả có tác hại ghê lắm. Nào là ô nhiễm rồi những bệnh tật có thể lây lan từ người chết sang cho học sinh. Nên mặc cho là phạm vào điều cấm kị của làng, tôi vẫn tiên phong chuyển mồ mả tổ tiên ra khỏi khu trường học”.
Già Thiệu còn hứa, tôi sẽ di dời trước, nếu Yang trách phạt dân làng tôi sẽ chịu tội. Nhà tôi đó, của cải gia đình đều ở đây, nếu lỡ Yang có phạt thì tôi lấy đó ra đền. Sau 1 năm mà Yang không phạt tội, dân làng phải di dời hết khu nhà mả này ra nghĩa trang của xã, để các cháu có nơi học hành thanh bình.
Mặc dù đã giải thích và hứa trước dân làng, nhưng nhiều người trong làng vẫn tỏ thái độ bất bình. Việc đụng chạm đến Yang xưa nay luôn là điều cấm kỵ. Không chỉ bị xa lánh, gia đình già Thiệu còn nhiều lần bị ném đá vào nhà. Già Thiệu vẫn kiên trì, vận động từng người. Còn vợ con già Thiệu vẫn sống trong thấp thỏm lo âu, trông mong trong làng không xảy ra chuyện gì.
Ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác, thời hạn 1 năm già Thiệu di dời ngôi nhà mả của gia đình đã đến, vẫn không có 1 tai họa nào giáng xuống ngôi làng nhỏ bé này. Nhà già Thiệu vẫn sống khỏe mạnh, thóc lúa vẫn đầy bồ, bò trong chuồng đã đẻ thêm lứa. Dân làng đã tin già Thiệu, nhiều người đến nhà xin lỗi già.
Hiến đất mặt tiền xây trường học
Đến lượt bà con buôn làng phải thực hiện lời hứa là tổ chức di dời mồ mả ra khu nghĩa trang của xã. Cả làng mổ con trâu lớn cúng Yang, xin được di dời toàn bộ nhà mả ra nơi mới. Hôm đó, già Thiệu đã đứng dậy khuyên bảo bà con bỏ nhiều tập tục cổ hủ khác, trong đó có tục nuôi ma.
Lâu nay, khi một người trong làng mất, gia đình nhà đó, ngày nào cũng phải đến nhà mả đem thức ăn nước uống cho người đã chết, tối đến nói chuyện với linh hồn. Chuyện này được lặp đi lặp lại đến khi gia đình làm lễ pơ thi, nhanh cũng mất 1 năm lâu thì có khi nhiều năm trời, rất tổn hại đến sức khỏe, mất nhiều thời gian. Giờ dân làng đã tin già Thiệu nên vừa nghe già nói, mọi người đã đồng thanh hứa: “Khi đến nghĩa trang mới cũng là lúc tập tục này kết thúc trong làng”.
Nói tới việc di dời mộ, mặc dù đã có sự đồng thuận của người dân nhưng kinh phí lấy đâu ra. Già Thiệu lại đến nhiều cơ quan chức năng gõ cửa. UBND huyện Phú Thiện đã đồng ý hỗ trợ 100 triệu đồng và phương tiện phục vụ các nghi lễ và di dời khu nhà mả.
Có tiền, sau một thời gian ngắn, toàn bộ hơn 1.000 hài cốt trong khuôn viên Trường Tiểu học Nguyễn Trãi đã được “dọn dẹp” sạch sẽ và di dời về nghĩa trang của xã trong sự vui mừng của bà con dân làng.
Sau khi khu nhà mả được di dời một vấn đề mới lại được đặt ra: Các phòng học tại điểm Trường Tiểu học Nguyễn Trãi đang dần trở nên xập xệ, bàn ghế xiêu vẹo. Thương giáo viên và các em học sinh, già Thiệu đã không ngần ngại hiến tặng gần 2.000 m2 đất mặt đường trên quốc lộ 25 để nhà trường dựng thêm 2 phòng học tạm và làm sân chơi.
Sau già Thiệu, nhiều nhà hảo tâm khác đã biết đến ngôi trường vùng sâu còn nhiều khó khăn này. Cuối năm 2011, ngôi trường này đã nhận được những tình cảm sẻ chia của cộng đồng thông qua Quỹ Khuyến học “Đèn đom đóm”.
Cùng với sự chung sức của chính quyền huyện Phú Thiện, trên cái nền đất quyên góp của gia đình già Thiệu ấy, một ngôi trường mới khang trang với đầy đủ các trang thiết bị dạy học… đã được xây dựng xong và đưa vào sử dụng.
Thầy Nguyễn Văn Linh – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Trãi cho biết: “Trường có được cơ ngơi khang trang như ngày hôm nay, công đầu thuộc về già Thiệu. Lúc ấy địa phương cũng có kế hoạch di dời khu mồ mả và mở rộng đất để thuận tiện cho việc xây trường mới sau này.
Tuy nhiên thực tế những vấn đề này cực kỳ nan giải vì liên quan đến tập tục đồng bào và quyền lợi của người dân. Cứ nghĩ sẽ rất khó thực hiện nhưng rồi già Thiệu xuất hiện và giải quyết tất cả những khó khăn này một cách nhanh chóng và thấu đáo”.
Theo Giáo dục và Thời đại