Với một lịch sử chuyên “mua để diệt”, Microsoft liệu có hứng thú với việc mở rộng mạng xã hội LinkedIn? Hãng thực sự muốn gì ở mạng xã hội nghề nghiệp này?
Trên thực tế, Microsoft đã có một bước đi hết sức liều lĩnh và lạc quan khi mua lạiLinkedIn với mức giá cao hơn 50% giá trị thị trường của công ty này. Nadella đặt cược rằng các mạng xã hội việc làm sẽ trở thành tâm điểm trong nghề nghiệp của chúng ta, đồng thời Microsoft cũng muốn củng cố lại những sản phẩm của Microsoft vốn đang mất dần vị trí trụ cột nếu công ty không đảm bảo được sự tồn tại lâu dài của hãng.
Không chỉ giúp mọi người tìm việc, công ty do Reid Hoffman sáng lập năm 2002 còn giúp những nhà tuyển dụng, các nhân viên mua sắm bán sản phẩm và dịch vụ để mở rộng công ty. Mạng xã hội nghề nghiệp này đã có 433 triệu thành viên và 105 triệu người sử dụng thường xuyên mỗi tháng. 60% số người sử dụng mạng xã hội này trên di động.
Tính ra khoảng 255 USD trên một người sử dụng tích cực, “đây là một giao dịch rất đắt đỏ”, theo lời của ông Richard Windsor, một cố vấn công nghệ. Thế nhưng, Nadella tỏ ra lạc quan hơn nhiều. Ông cho rằng thương vụ này sẽ mở rộng thị trường cho các sản phẩm của Microsoft và giúp công ty tiếp cập tới một hiện tượng mạng xã hội.
CEO Microsoft, Satya Nadella
Đối với người tiêu dùng, những thương hiệu nổi tiếng nhất của Microsoft bao gồm Windows, Office và Xbox. Nhưng các hệ thống back-office, đặc biệt là các phần mềm cho các doanh nghiệp lớn để quản lý CNTT và mạng lưới khách hàng mới là những sản phẩm thực sự kiếm ra tiền. Nadella đã từng đề cập đến viễn cảnh khi bước vào một cuộc họp, nhờ tích hợp với lịch và dữ liệu của LinkedIn, chúng ta có thể biết được thông tin cụ thể về tất cả những người tham dự.
Tuyên bố chính thức của Nadella liên quan đến thương vụ này đã sử dụng những thuật ngữ công nghệ điển hình như “social selling” (xây dựng quan hệ với khách hàng để bán hàng) hay “human capital management” (quản lý nguồn nhân sự). Đây đều là những từ ngữ được các nhóm chuyên môn sử dụng và Microsoft thì hy vọng những thứ này sẽ giúp công ty kiếm ra tiền.
Khi khách hàng càng ưu tiên sử dụng di động và máy tính bảng thì vị trí của Windows sẽ ngày một nhạt nhòa hơn. Đến cả bộ ứng dụng Office của hãng cũng sẽ chịu chung số phận. Mọi thứ sẽ được chuyển sang các dịch vụ thuê bao nền tảng đám mây chứ không phải là các ứng dụng trên PC nữa.
Nguy cơ lớn nhất với Microsoft là các phần mềm cho những doanh nghiệp lớn sẽ được cung cấp bởi những dịch vụ đám mây giá rẻ hơn của các công ty đối thủ. Trong khi đó, các công ty bây giờ phải tập trung vào những cá nhân, bao gồm các nhân viên trong và ngoài công ty. Điều này khiến định danh nghề nghiệp (professional identity) trở thành một yếu tố quan trọng trong công việc hàng ngày của công ty.
Công ty nào sở hữu dữ liệu định danh nghề nghiệp tốt nhất? Chính là LinkedIn. Đây cũng chính là lý do vì sao Microsoft trả giá cao để mua công ty nền tảng đám mây đối thủ Salesforce. Công ty này sở hữu các hệ thống marketing và quan hệ khách hàng của các doanh nghiệp.
Ben Thompson, một nhà cố vấn công nghệ của công ty Stratechery, cho biết thương vụ này đồng nghĩa với việc Microsoft có thể bước chân vào một thế giới trong đó bạn quản lý doanh nghiệp của bạn trên đám mây của những người khác.
Thompson cho hay thương vụ này thể hiện tương lai của Microsoft tại đó công ty này sẽ vẫn “tập trung vào doanh nghiệp nhưng sẽ chuyển đổi quỹ đạo công việc kinh doanh từ các công ty sang các nhân viên. LinkedIn biết rõ về người sử dụng của mình hơn bất cứ công ty nào ngoài Facebook và khi đề cập đến nghề nghiệp, công ty này thậm chí còn biết nhiều hơn. Đây là thứ dữ liệu có giá trị nhất trên thế giới”.
Cựu CEO Microsoft, Steve Ballmer bắt tay CEO Nokia Oyj, Stephan Elop
Tuy nhiên, những dữ liệu này có ích không. Microsoft có lịch sử “mua công ty nào chết công ty đó”. Những cái tên bị mua lại sau đó có kết cục hẩm hiu trong tay Microsoft có thể kể đến aQuantive, mảng di động của Nokia… nhưng tất cả những thương vụ này đều là dưới thời của Steve Ballmer. Song Microsoft cũng có được những thành công nhất định, chẳng hạn như mua Forethought năm 1987, Hotmail năm 1997, Navision năm 2002 và biết đâu có thể là cả LinkedIn. Microsoft mua aQuantitive để đẩy mạnh mảng quảng cáo trên công cụ tìm kiếm, mua Nokia để cạnh tranh trong lĩnh vực di động nhưng bị Nadella phản đối.
Trái lại, với LinkedIn, quan điểm của vị CEO này hoàn toàn khác. Theo Nadella, LinkedIn có thể bù đắp các chi phí và đem về lợi nhuận cho Microsoft trong vòng 2 năm. Vị CEO này tỏ ra khá tự tin với những lời phát biểu của mình.
Với vụ mua bán này, Microsoft đã phải đi vay để mua LinkedIn. Nhưng vấn đề không phải là do Microsoft thiếu tiền, thực ra đây là một cách thông minh để Microsoft né thuế.
Vậy những mạng xã hội nào sẽ bị thâu tóm sau LinkedIn? Giá cổ phiếu của Twitter đã nhảy vọt 7% ngay sau khi Microsoft tuyên bố mua lại LinkedIn. Một mạng xã hội đang thua lỗ mà còn đươc mua lại với giá “trên trời” thì một mạng xã hội khác đang thu hút cả trăm triệu người sử dụng, tại sao lại không?
Nhiều tin đồn cho rằng Google sẽ bỏ tiền mua lại Twitter bởi đây là một công ty hấp dẫn nhất Thung lũng Silicon. Ngoài ra, một ứng dụng nhắn tin hình ảnh ra đời cách đây chưa lâu, Snapchat, cũng đang thu hút được sự chú ý của những nhà đầu tư với số người sử dụng còn nhiều hơn Twitter. Và chưa biết chừng, sự “ăn may” của LinkedIn sẽ khiến cho các mạng xã hội như Pinterest có được khách mua “sộp”.
Thế nhưng bí quyết để được trả giá cao là bạn phải nắm trong tay một thứ dữ liệu quý báu nào đó mà những ông lớn thực sự cần. Giống như LinkedIn, được Microsoft mua lại bởi công ty này cần thứ dữ liệu nghề nghiệp mà mạng xã hội này nắm giữ. Chẳng rõ Microsoft có thật sự hứng thú với việc mở rộng mạng xã hội này không hay có khi, LinkedIn chỉ là một con quân cờ trong ván cờ chinh phục thế giới của Microsoft mà thôi.
Theo ICT News