Mỗi khi đến hè là ta…đi học!

Mùa hè là mùa học sinh được nghỉ ngơi. Nhưng ở TP.HCM, nhiều trường đã bắt đầu dạy hè ngay từ giữa tháng 6.


Ngoài giờ ôn tập văn hóa trên lớp, học sinh Trường tiểu học Châu Văn Liêm (Q.6, TP.HCM) 
còn được học các giờ ngoại khóa, kỹ năng sống trong dịp hè 

“Sáng 15-6, con lớn của tôi đã đi học hè buổi đầu tiên. Năm nay cháu lên lớp 8, chưa phải là năm cuối cấp, chưa phải thi cử nặng nề nhưng vợ chồng tôi đã bàn với nhau: chương trình lớp 8 nặng nề lắm, không học thêm sẽ không ổn” – bà Nguyễn Mai, phụ huynh ở Q.5, TP.HCM (đồng thời cũng là giáo viên bậc trung học), cho biết.

Cần chỗ học hè cho con

Bà Mai giải thích: “Con tôi học toán không được tốt lắm, nên tôi muốn cháu củng cố môn này trong hè. Riêng môn hóa là môn mới đối với học sinh lớp 8. Là người trong ngành, tôi biết chương trình môn này không dễ học, cháu phải được làm quen trước trong hè để đến khi vào năm học mới không quá bất ngờ.

Tôi đăng ký cho con học thêm 4 môn: toán, lý, hóa, tiếng Anh để con học từ thứ hai đến thứ năm vào các buổi sáng. Ngoài ra, con út nhà tôi năm nay lên lớp 3 cũng đã đăng ký học hè từ ngày 27-6”.

Chúng tôi thắc mắc: “Cả hai cháu đều phải đi học suốt như thế thì đâu còn gì là hè?”.

Bà Mai cười: “Hai cháu chỉ học hè vào buổi sáng của 4 ngày trong tuần, buổi chiều và những ngày cuối tuần cháu được nghỉ ở nhà, đi chơi công viên, nhà sách… thoải mái.

Vả lại, chương trình học hè ở Trường tiểu học Trần Bình Trọng, Q.5 rất hay: ngoài toán, tiếng Việt thì học sinh còn được học các môn năng khiếu: âm nhạc, mỹ thuật, thể dục, tiếng Anh… Riêng môn toán, tiếng Việt thì cô giáo ôn luyện cho bé không bị quên bài, giữ được nề nếp học tập cũng rất tốt”.

Tương tự, Trường tiểu học Châu Văn Liêm (Q.6) chỉ cho phụ huynh đăng ký học hè trong bốn ngày (từ ngày 6 đến 10-6) nhưng đã có hơn 200 học sinh đăng ký.

“Con tôi năm nay chuẩn bị vào lớp 1, nghe thông tin trường mở lớp “Làm quen với lớp 1” cho các bé đỡ bỡ ngỡ, tôi đăng ký liền. Dù gia đình có người trông bé nhưng vợ chồng tôi vẫn muốn gửi con vào trường dịp này để con quen trường, quen lớp” – anh Danh, người dân sống gần trường này, nói với Tuổi Trẻ.

Phỏng vấn 8 phụ huynh của trường vào sáng 16-6, chúng tôi cũng nhận được câu trả lời tương tự. Phụ huynh tên Nguyễn Vũ còn cho biết thêm: “Trường mở lớp ôn tập hè cũng giống như là nơi chúng tôi gửi con vậy. Nếu trường không tổ chức dạy hè, phụ huynh như tôi không biết gửi con vào đâu cả”.

Anh Lê Văn Sáu, cha của học sinh Lê Ngọc Phương Anh (lớp 4 Trường tiểu học Bình Tiên, Q.6), nói với Tuổi Trẻ vẻ đầy tiếc nuối: “Theo tôi, trường tổ chức dạy hè thì tốt cho mấy cháu. Chơi mấy bữa đủ rồi. Mà tuổi này ở nhà ba mẹ cũng lo lắng. Tôi tiếc là trường của con tôi chỉ dạy có một buổi, nếu dạy hai buổi tôi cũng cho con học”.

Cùng nỗi niềm, chị Đặng Nguyệt Thảo, phụ huynh có con học lớp 3, nói: “Nếu nhà trường không dạy hè, tôi cho con đi học hè ở nhà cô giáo hoặc học trường tư nhân vì tôi thấy con tôi vẫn cần phải có chỗ học trong hè”.

Vừa ôn tập vừa dạy kiến thức mới
Vừa ôn tập vừa dạy 
kiến thức mới

Theo ghi nhận của chúng tôi, ngày 15-6 các trường tiểu học, THCS tại quận 6 đã bắt đầu tổ chức ôn tập hè cho học sinh. Ngoài hai trường tiểu học Võ Văn Tần và THCS Hoàng Lê Kha không tổ chức ôn tập hè vì học sinh đăng ký ít, các trường còn lại trong quận đều tổ chức ôn tập hè cho học sinh.

Năm nay, thông báo tổ chức ôn tập hè của Trường tiểu học Châu Văn Liêm được dán công khai trước cổng. Trường có hai hình thức ôn tập hè gồm: lớp học một buổi (5 tiết/tuần) và lớp bán trú (10 tiết/tuần) với hai nội dung – học văn hóa và ngoại khóa.

Trong đó việc dạy và học văn hóa trong hè ở trường chỉ ôn tập kiến thức cũ, phụ đạo học sinh yếu. Còn dạy ngoại khóa có bốn nội dung: học tiếng Anh hoặc tiếng Hoa, học giao tiếp tiếng Anh với giáo viên bản ngữ, học tin học.

Tương tự, tại Trường tiểu học Bình Tiên, nội dung ôn tập hè cho học sinh cũng chủ yếu ôn tập kiến thức trong năm cũ.

Trong khi đó, một số nơi khác ở TP.HCM như Tân Phú, Q.7 và huyện Bình Chánh đến ngày 16-6 các trường tiểu học, THCS chưa bắt đầu tổ chức ôn tập hè cho học sinh. Tuy nhiên, theo kế hoạch, nội dung dạy trong hè ở các quận, huyện này cũng theo hai hướng: ôn tập kiến thức cũ và tăng cường các hoạt động ngoại khóa, năng khiếu.

Ông Ngô Xuân Đông, trưởng Phòng GD-ĐT Q.7, cho biết hiện tại Phòng GD-ĐT vẫn đang thực hiện kế hoạch hè như văn bản chỉ đạo của Sở GD-ĐT TP.HCM và UBND quận trước đó. Phòng GD-ĐT Q.7 triển khai hoạt động hè đến các trường theo hướng củng cố kiến thức, tăng cường các hoạt động như học bơi, học thể thao, các bộ môn nghệ thuật, sinh hoạt câu lạc bộ đội nhóm…

Ngoài ra, các trường phối hợp với ban chỉ đạo hè hỗ trợ sân chơi, thư viện, tạo điều kiện vui chơi, học năng khiếu cho học sinh trên địa bàn.

Cũng theo ghi nhận của chúng tôi, hiện tại trên địa bàn TP.HCM đã có một số trường THPT tư thục ở các quận Tân Bình, Gò Vấp, Tân Phú… bắt đầu dạy hè từ giữa tháng 6. Các trường còn lại dự kiến dạy hè từ đầu tháng 7.

Không chỉ học và học…

“Mục tiêu của lớp học hè là cho học sinh học ngay chương trình của năm học sau và đến năm học mới thì không dạy lại các bài đã học trong hè. Sở dĩ chúng tôi phải bắt đầu năm học sớm vì chương trình quá nặng. Nếu để cho học sinh học dồn tất cả các kiến thức theo quy định trong 9 tháng thì các em sẽ cảm thấy căng thẳng…” – hiệu trưởng một trường THPT tư thục chia sẻ.

Theo vị hiệu trưởng này: “Bắt đầu chương trình ngay từ trong hè để khi vào năm học chính thức, chương trình được giãn ra. Ví dụ: 1 bài học theo quy định chỉ dạy trong 1 tiết thì giáo viên có thời gian kéo ra thành 2 hoặc 3 tiết để học sinh dễ tiếp thu hơn.

Bên cạnh đó, thời gian dư còn lại chúng tôi sẽ tổ chức cho học sinh học năng khiếu, kỹ năng sống, hoạt động văn hóa văn nghệ, hoạt động vì cộng đồng… chứ không thể chỉ có học và học”.

Không những thế, nhiều trường THPT công lập ở TP.HCM cũng đang lên kế hoạch dạy hè cho học sinh từ lớp 11 lên lớp 12 vào đầu hoặc giữa tháng 7 cũng với mục đích như trên.

Theo Tuổi trẻ