Trên 250 trẻ khiếm thính dưới 6 tuổi được hỗ trợ giáo dục

 Trong vòng 5 năm qua, Dự án Giáo dục trẻ khiếm thính trước tuổi đến trường (IDEO) đã giúp cho 255 trẻ khiếm thính dưới 6 tuổi tại Hà Nội, Thái Nguyên, Quảng Bình và thành phố Hồ Chí Minh được học ngôn ngữ ký hiệu (NNKH) tại nhà. Riêng năm 2015 – 2016, có gần 50 trẻ khiếm thính lớp 1 đã được hỗ trợ giáo dục bằng NNKH.


Ảnh minh họa

Dự án IDEO đã áp dụng mô hình sáng tạo bằng cách xây dựng các nhóm hỗ trợ gia đình, bao gồm một hướng dẫn viên người khiếm thính, một phiên dịch viên NNKH và một giáo viên người bình thường để dạy NNKH cho trẻ em khiếm thính và gia đình trẻ tại nhà.  

Những kết quả đánh giá ban đầu cho thấy viêc sử dụng NNKH đã giúp cải thiện khả năng phát triển ngôn ngữ và nhận thức cũng như khả năng giao tiếp của trẻ. Điểm số phát triển nhận thức và ngôn ngữ của trẻ 5-7 tuổi trong dự án IDEO là 7,6/10, so với điểm số 8/10 của trẻ nghe ở lứa tuổi lên 5. 

Dự án cũng đào tạo cho hơn 50 người khiếm thính trưởng thành trở thành hướng dẫn viên cho trẻ khiếm thính. Khoảng 200 giáo viên người bình thường cũng được tập huấn NNKH để có thể giúp đỡ trẻ khiếm thính hiệu quả hơn. Khoảng hơn 50 người bình thường đã được đào tạo để trở thành phiên dịch viên NNKH hay hỗ trợ viên giao tiếp. 

Ông Achim Fock, Quyền Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới (WB) ở Việt Nam cho biết, phần lớn trẻ khiếm thính ở Việt Nam không được hỗ trợ khi học mẫu giáo trong khi cha mẹ trẻ lại không có những hỗ trợ chuyên môn cần thiết. Những kết quả tích cực của Dự án IDEO đã khẳng định sự hỗ trợ tại trường học của những giáo viên người khiếm thính và người bình thường đã qua đào tạo cùng phiên dịch viên NNKH là cần thiết cho sự phát triển toàn diện của trẻ khiếm thính.

Dự án cũng đã triển khai một website tương tác (http://ideo.org.vn ) để cung cấp các video học NNKH trực tuyến, từ vựng NNKH, trò chơi và các sản phẩm giáo dục khác cho trẻ khiếm thính và gia đình trẻ, cho giáo viên và cộng đồng. Một loạt các video ngắn dạy NNKH dự kiến sẽ được phát sóng trên kênh truyên hình Giáo dục Quốc gia (VTV7) để hướng tới nhiều đối tượng hơn.

Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Nguyễn Thị Nghĩa, Dự án IDEO không chỉ mở ra một hướng tiếp cận giáo dục mới “Ngôn ngữ kí hiệu” phù hợp nhu cầu và khả năng của trẻ khiếm thính mà còn thúc đẩy sự tham gia của các cơ sở giáo dục và các tổ chức liên quan góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trẻ khiếm thính ở Việt Nam.

Dự án được Quỹ Phát triển Xã hội Nhật Bản tài trợ 2,8 triệu USD, cùng 130.000 USD từ Chính phủ Việt Nam, do WB quản lý và Tổ chức Quan tâm Thế giới thực hiện.

Theo Thanh tra