Còn gần 8000 trẻ em chưa được đến trường tại Thanh Hóa

Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững giai đoạn 2016 – 2020 là một trong 5 chương trình trọng điểm của tỉnh Thanh Hóa được đặt ra. Trong đó, địa phương này phấn đấu không còn tình trạng trẻ em thất học, đưa khoảng 7.700 trẻ trong độ tuổi hiện không được đi học, đến trường.


Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững giai đoạn 2016 – 2020. Trong đó có mục tiêu nâng cao mức độ tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.

Theo đó, địa phương này phấn đấu đến năm 2020, không còn tình trạng trẻ em không đi học (tương ứng tác động để khoảng 7.700 trẻ em hiện không đi học tiếp tục đi học).


Ảnh minh họa

Để làm được điều đó, tỉnh Thanh Hóa sẽ thực hiện đồng bộ và có hiệu quả chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, hỗ trợ gạo, tín dụng ưu đãi cho học sinh, sinh viên là con hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, học sinh vùng đặc biệt khó khăn.

Đồng thời, rà soát, sắp xếp lại mạng lưới các trường, lớp học cho phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế – xã hội của từng địa phương; tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, nhất là khu vực miền núi; đầu tư xây dựng các trường bán trú, trung tâm hướng nghiệp, dạy nghề; chuẩn hóa giáo viên góp phần nâng cao chất lượng dạy học.

Ngoài ra, chính sách khích lệ, động viên, khen thưởng người nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số tích cực học tập, nâng cao trình độ thông qua các phong trào “gia đình hiếu học”, “dòng họ hiếu học”, “cộng đồng hiếu học”, gắn với xây dựng xã, thôn văn hóa, đạt chuẩn nông thôn mới và chuẩn xã hội học tập.

Đến năm 2020, địa phương sẽ vận động để khoảng 7.700 trẻ em trong độ tuổi hiện không đi học được tiếp tục đi học, đảm bảo 100% trẻ em trong độ tuổi được đến trường.

Ngoài mục tiêu giáo dục, các dịch vụ xã hội khác như y tế, nhà ở, nước sạch vệ sinh môi trường, tiếp cận thông tin cũng được tỉnh Thanh Hóa quan tâm.

Huyện Thạch Thành – là 1 trong 11 huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa. Trong thời gian qua, địa phương này cũng đã hỗ trợ 49.423 lượt học sinh nghèo được cấp bù miễn giảm học phí, chi phí học tập với kinh phí 35,1 tỷ đồng; cấp hơn 183 tấn gạo gỗ trợ cho 4.684 lượt học sinh ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn.

Trong thời gian tới, huyện Thạch Thành sẽ triển khai, thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo nghề nâng cao trình độ dân trí, chất lượng nguồn nhân lực cho các xã đặc biệt khó khăn và hộ nghèo; tăng cường đào tạo đội ngũ giáo viên đạt chuẩn; sắp xếp, điều động lại đội ngũ giáo viên; thường xuyên đánh giá chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý.

Mục tiêu của chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020 sẽ giảm tỉ lệ chuẩn nghèo đa chiều dưới tỉ lệ chung của cả nước; tăng thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo gấp 2,5 lần so với hiện nay.

Cùng với nhiều giải pháp được đưa ra, tỉnh Thanh Hóa sẽ đầu tư cho chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững giai đoạn 2016 – 2020 dự kiến khoảng 74.126 tỉ đồng.

Trong đó, vốn ngân sách nhà nước (vốn trong chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, vốn ngân sách địa phương) là 11.376 tỉ đồng (chiếm 15,35%). Vốn tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo là 12.000 tỉ đồng (chiếm 16,19%). Vốn lồng ghép từ các dự án phát triển kinh tế – xã hội và đóng góp của người dân là 50.000 tỉ đồng (chiếm 667,45%). Còn lại 1,01% ngồn vốn sẽ được huy động từ Quỹ vì người nghèo, doanh nghiệp, cơ quan tổ chức, cá nhân là 750 tỉ đồng.

Theo Dân Trí