Theo Forbes, các tập đoàn Thái Lan đang nhìn thấy nhiều cơ hội từ thị trường Việt Nam trong bối cảnh quê nhà ảm đạm. Ngành bán lẻ Thái Lan tăng trưởng trung bình 8% trong 10 năm tính đến năm 2012 nhưng đã sụt giảm 3% trong 2 năm 2013 và 2014. Năm ngoái mức sụt giảm là 1%.
Nguyên nhân lớn nhất khiến thị trường này suy giảm là do quy mô của hộ gia đình ở các đô thị Thái ngày càng thu nhỏ. Người tiêu dùng cũng có xu hướng bảo thủ về nhận dạng thương hiệu và vẫn phụ thuộc vào thu nhập từ hoạt động nông nghiệp, do đó họ không thể trở thành lực đẩy cho ngành bán lẻ.
Trong bối cảnh ấy, ngoài các giải pháp khai thác tối đa lượng khách hàng nội địa sẵn có, mở rộng ra nước ngoài là con đường sáng sủa hơn.
Ngược lại, ở Việt Nam, các hãng bán lẻ Việt vẫn chưa thể thích ứng kịp và đáp ứng đủ nhu cầu ngày càng tăng cả về chất lượng và số lượng. Thế hệ người tiêu dùng trẻ ở các thành phố lớn cũng cởi mở và sẵn sàng tiếp nhận các sản phẩm ngoại. Đặc biệt, hàng Thái rất được chào đón vì chất lượng cao và bao bì hấp dẫn.
Bên cạnh đó Việt Nam cũng có cơ cấu dân số lý tưởng để ngành bán lẻ phát triển, với nhóm từ 15 đến 64 tuổi chiếm tỷ trọng hơn 70% trong 2 năm gần đây. Điều này giúp ngành bán lẻ có tốc độ tăng trưởng trung bình lên tới 8% trong 2 năm qua.
Thu nhập khả dụng trung bình của Việt Nam cũng tăng trưởng tốt, tạo điều kiện lý tưởng cho tiêu dùng bùng nổ và đem đến cơ hội lớn cho những công ty có thể cung cấp những gì người tiêu dùng mong muốn.
Các công ty Thái đã để mắt đến thị trường sinh lợi này. Ngày càng nhiều sản phẩm xuất xứ Thái Lan xuất hiện trên kệ bán hàng và Forbes dự đoán xu hướng sẽ tiếp tục tiếp diễn cho đến ít nhất là năm 2030.
Theo CafeF/Trí thức trẻ/Forbes