Bắt đầu từ năm học 2016 – 2017 và những năm tiếp theo, các cơ sở giáo dục ở TPHCM cần khuyến khích và ưu tiên giảng dạy bộ môn bơi để học sinh phổ thông được phổ cập bơi lội.
Sở GD-ĐT TPHCM yêu cầu các cơ sở giáo dục tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền phòng, tránh tai nạn thương tích và đuối nước cho học sinh.
Theo đó, các cơ sở giáo dục khuyến khích và ưu tiên giảng dạy bộ môn bơi lội cho học sinh bắt đầu từ năm học 2016 – 2017 và những năm tiếp theo nhằm đảm bảo cho học sinh phổ thông được phổ cập bơi lội.
Tổ chức các lớp dạy bơi chính khóa và ngoại khóa nhằm nâng cao kỹ thuật bơi, kỹ năng phòng, tránh tai nạn thương tích và đuối nước cho học sinh.
Ngành giáo dục tham mưu với địa phương xây dựng hồ bơi tại đơn vị, đồng thời tăng cường công tác xã hội hóa, huy động các nguồn lực hợp pháp để đầu tư xây dựng hồ bơi với quy mô phù hợp phục vụ dạy và học bơi cho học sinh nhằm hạn chế tình trạng học sinh bị đuối nước.
Ngoài ra, nhà trường cần phối hợp chặt chẽ với gia đình trong việc quản lý, giáo dục học sinh về ý thức phòng, tránh tai nạn thương tích và đuối nước; khuyến cáo học sinh, không tắm, bơi ở những nơi có nguồn nước không đảm bảo vệ sinh; ao, hồ, sông, suối, thác ghềnh nguy hiểm.
Hàng năm, Việt Nam có khoảng 6.000 trẻ em tử vong do đuối nước, chiếm khoảng gần 1/2 tỷ lệ trẻ em tử vong do tai nạn thương tích trên cả nước. TPHCM là tỉnh đầu tiên trên cả nước thực hiện chương trình phổ cập bơi lội cho học sinh, hướng đến mục tiêu 100% học sinh phổ thông biết bơi vào năm 2020.
Tuy nhiên việc thực hiện chương trình còn rất nhiều khó khăn vướng mắc như số trường có hồ bơi rất ít (chỉ khoảng 100/2.000 trường học có hồ bơi), thiếu thời gian, thiếu kinh phí cũng như đội ngũ giáo viên ít kinh nghiệm quản lý học sinh khi các em học bơi. Ở TPHCM đã có trường hợp học sinh bị chết đuối trong giờ… bơi hết sức đau lòng làm nhà trường và phụ huynh “ngán ngại” với môn học này.
Theo Dân Trí