Các kỳ thi tốt nghiệp, tuyển sinh hay chuẩn hóa quốc tế không chỉ để kiểm tra kiến thức, kỹ năng giải quyết vấn đề mà còn hướng đến việc tìm ra những học sinh tiềm năng cho các trường cao đẳng, đại học.
Ảnh minh họa
Chính vì sự quan trọng này mà nhiều học sinh cố gắng để có điểm số cao nhất có thể. Tuy nhiên, điểm số của bạn có thể bị “phá hủy” bởi những thói quen sau
Thiếu chiến lược
Các kỳ thi được thiết kế không chỉ để kiểm tra về kiến thức mà còn để đánh giá kỹ năng phân tích, khả năng tư duy, xử lý tình huống như làm thế nào để loại trừ được những câu trả lời sai, hay giải toán chính xác mà vẫn tiết kiệm được thời gian. Hãy tận dụng chiến lược, thủ thuật để bạn đạt tối đa hóa điểm số thay vì chỉ ôn luyện kiến thức một cách bình thường, không điểm nhấn.
Cho rằng mình luôn thất bại
Có một thực tế là niềm tin của bạn sẽ quyết định kết quả của bạn. Cho rằng mình luôn là kẻ thất bại là cách bóp méo nhận thức gây nhiều tai hại về mặt tâm lý. Dù bạn đã từng thất bại trong các bài kiểm tra trước đây thì cũng không có nghĩa bạn sẽ tiếp tục thất bại. Hãy rút kinh nghiệm từ trong quá khứ và chuẩn bị kỹ hơn cho lần tới để không mắc phải sai lầm tương tự.
Không nhất quán trong việc sử dụng tài liệu ôn thi
Thí sinh hoàn toàn có quyền được tham khảo và sử dụng nhiều tài liệu để ôn tập. Nhưng nếu chỉ quan tâm đến số lượng tài liệu mình có mà bỏ qua việc tập trung học hoàn chỉnh một tài liệu nhất định thì sẽ rất dễ bị rối loạn, kiến thức. Hãy tham khảo nhiều nguồn, nhưng nên chọn ra một nguồn tài liệu hợp với bản thân nhất và tập trung hết mình cho nó.
Học nhồi nhét kiến thức
Một số học sinh luôn có ảo tưởng rằng mình có thể học dồn trước ngày thi, nhưng cách học này đi ngược lại với sự hoạt động của não bộ. Khi phải tiếp xúc với một lượng lớn kiến thức trong một thời gian ngắn sẽ dễ khiến não rơi vào tình trạng quá tải, mệt mỏi, căng thẳng dẫn đến kết quả không tốt trong ngày thi. Cách tốt nhất là hãy tạo cho mình đủ thời gian để ôn tập.
Ngủ quá ít
Theo Viện Quốc gia về Rối loạn thần kinh và đột quỵ (National Institute of Neurological Disorders and Stroke), ngủ quá ít khiến chúng ta không thể tập trung vào ngày hôm sau. Nó cũng dẫn đến suy giảm trí nhớ, giảm tính chính xác của não bộ. Vì vậy, trước đêm thi hãy cố gắng cho phép bản thân đi ngủ thật sớm và ngủ đủ giấc để tỉnh táo vào ngày hôm sau.
Không chuẩn bị trước những thứ cần thiết
Việc quên bút, thước, máy tính hay thẻ dự thi nghe tưởng chừng đơn giản nhưng lại có ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý và chất lượng làm bài của thí sinh. Để giải quyết vấn đề này, ngay trước ngày thi bạn nên chuẩn bị sẵn hết mọi thứ từ quần áo, giày dép cho đến bút, thước, chứng minh nhân dân, thẻ dự thi, coi bản đồ đến địa điểm thi… để tránh quên hoặc mất thời gian một cách không cần thiết.
Không ăn uống đầy đủ
Tâm lý lo lắng trước ngày thi thường khiến cho thí sinh không có cảm giác muốn ăn uống, bỏ bữa. Nhưng cơn đói vật lý thực sự có thể làm chậm quá trình hoạt động của não bộ và cơ thể. Vì vậy, dù không muốn ăn nhưng hãy cố gắng nạp thêm năng lượng cho cơ thể bằng những thực phẩm dễ tiêu hóa như sữa chua, trứng, hoặc bột yến mạch.
Theo Thanh niên